Lợi thế cạnh tranh là gì? Làm thế nào để xác định lợi thế cạnh tranh

19-08-2020 - 16:03 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

Bất cứ một doanh nghiệp khi kinh doanh đều mong muốn tối đa hóa lợi doanh thu và lợi nhuận. Để duy trì được điều này, lợi thế cạnh tranh sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Đây là điểm giúp doanh nghiệp trở nên khác biệt so với các đối thủ trên thị trường.

Warrant Buffett từng nói:

“ Điều quan trọng nhất là tìm kiếm một doanh nghiệp (giống như một lâu đài) với một con hào (moats) bao quanh đủ rộng lớn và trường tồn theo thời gian và đồng thời tòa lâu đài tuyệt vời này được bảo vệ bởi một vị vua giỏi giang và trung thực”.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ được ưu thế của doanh nghiệp mình? Vậy lợi thế cạnh tranh là gì? Cách xác định lợi thế cho doanh nghiệp hiện nay như thế nào là đúng? 

1. Lợi thế cạnh tranh là gì?

Lợi thế cạnh tranh hiểu đơn giản là những gì làm cho doanh nghiệp nổi bật, trong khi các đối thủ cạnh tranh khác lại không làm được điều này. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn so với những doanh nghiệp khác. Đây là yếu tố cần thiết phải có để các công ty trở nên thành công và tồn tại lâu dài, khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và tạo ra nhiều giá trị cho cổ đông của công ty.

Lợi thế cạnh tranh là gì? Lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp

2. Phân loại lợi thế cạnh tranh

Có rất nhiều cách phân loại lợi thế cạnh tranh khác nhau nhưng để dễ dàng phân biệt, chúng ta sẽ chia lợi thế cạnh tranh thành hai nhóm chính là lợi thế về chi phí và lợi thế khác biệt

2.1. Nhóm lợi thế về chi phí

Lợi thế về chi phí xuất hiện khi một công ty có thể cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm với chi phí thấp hơn. Lợi thế về chi phí ở đây không có nghĩa là doanh nghiệp chào bán cho khách hàng ở mức giá thấp nhất thị trường mà điều quan trọng là với cấu trúc chi phí thấp và hiệu quả hơn so với đối thủ, doanh nghiệp sẽ đẩy đối thủ của mình vào thế khó trong cuộc chiến cạnh tranh.

Những yếu tố chính tạo nên lợi thế về chi phí bao gồm:

  • Chi phí nguồn nhân công.
  • Vị trí địa lý
  • Sự khác biệt trong mô hình hoạt động của doanh nghiệp
  • Năng suất
  • Công nghệ
  • Quy mô của doanh nghiệp

Tại sao Viejet Air lại có thể tăng trưởng thần tốc vươn lên chiếm lĩnh thị trường hàng không việt nam?

Giai đoạn 2012-2018 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của Vietjet với việc liên tục gia tăng thị phần hành khách nội địa. Vietjet từ một hãng hàng không non trẻ sau 11 năm hoạt động đã vươn lên mạnh mẽ, tỏ rõ vị thế với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.

Trước khi Vietjet được thành lập, giá vé máy bay khá đắt đỏ so với mức thu nhập của đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam bởi giá thành chuyến bay (chi phí nhiên liệu, độc quyền trong nhóm HVN) cao, mô hình hàng không dịch vụ đầy đủ không cho phép hành khách loại trừ những dịch vụ không cần thiết. Nắm bắt nhu cầu khách hàng về giá vé, Vietjet xuất hiện với mô hình hãng hàng không chi phí thấp cùng hàng loạt chương trình ưu đãi, và cho phép khách hàng lựa chọn dịch vụ phụ trợ như suất ăn, hành lý ký gửi nhằm hạ giá vé, hợp túi tiền đại bộ phận người tiêu dùng hơn.

Chiến lược thâm nhập thị trường bằng chính sách giá rẻ của Vietjet nhắm tới những khách hàng lần đầu đi máy bay đã thành công vang dội thể hiện qua tốc độ gia tăng thị phần nhanh chóng của Vietjet.

 

Liệu Vietjet Air có thể cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế khi mở rộng đường bay quốc tế?

Ý kiến chủ quan của người viết cho rằng Câu trả lời là Vietjet hoàn toàn có thể cạnh tranh bởi chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm của Vietjet thuộc hàng thấp nhất châu Á, với chi phí cho 1 ghế cung ứng trên 1km (CASK) chưa đến 4 cent, nếu loại bỏ chi phí nhiên liệu thì còn thấp hơn chưa tới 3 cent có thể giúp VietJet tăng lợi thế cạnh tranh với các hãng bay Quốc tế. Điều này có được là do Vietjet sở hữu đội tàu bay trẻ, giúp tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và chi phí nhân công ở mức thấp hơn nhiều so với khu vực.

Ngoài ra...

2.2. Nhóm lợi thế khác biệt

Một lợi thế khác biệt là khi các sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty khác với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh và được xem là vượt trội hơn hẳn. Công nghệ tiên tiến, các sản phẩm hoặc quy trình được bảo vệ bởi bằng sáng chế, nhân sự vượt trội và nhận diện thương hiệu mạnh là những yếu tố thúc đẩy lợi thế khác biệt.

Những yếu tố này là cực kì quan trọng với một doanh nghiệp bởi nó có thể giúp doanh nghiệp nâng cao biên lợi nhuận và mở rộng thị phần.

VHC- Doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại sản xuất thành công Collgen và Gelatin  từ da cá tra.

Collagen và Gelatin là các sản phẩm có tính ứng dụng cao trong các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm,…So với sản phẩm Collagen và Gelatin chiết xuất từ các loại da khác, như da bò, da heo... thì da cá có tính hấp thụ cao, khả năng sinh học tốt, rủi ro thấp trong lây truyền bệnh. Đặc biệt, sản phẩm này không có rào cản tôn giáo, nhất là khu vực có người theo đạo Hồi, nên thị trường xuất khẩu rất rộng.

Từ một phụ phẩm giá trị thấp trong quá trình chế biến là da cá tra, việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, với giá bán Collagen trung bình khoảng 15-18 USD/kg, Gelatin khoảng 12-15 USD/kg, đã giúp VHC thu lại giá trị lớn. Năm 2019, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của mảng này đạt khoảng 42%, tương đương với lợi nhuận sau thuế đạt 217 tỷ đồng, đóng góp khoảng 18% vào tổng lợi nhuận sau thuế của VHC.

Ngoài ra, trong năm 2019, VHC đã phát triển thành công các dòng sản phẩm mới, bao gồm: Collagen Tripeptides và Nano Collagen, đây là dòng sản phẩm vượt trội hơn so với Collagen thông thường, với giá bán lên đến khoảng 50 USD/kg. 

Có thể thấy rằng, nhờ tích cực đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ vào trong quá trình sản xuất, VHC đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh khác biệt so với các đối thủ trong ngànhkhông chỉ ở mảng kinh doanh truyền thống là xuất khẩu cá tra (là đơn vị xuất khẩu cá tra duy nhất tại Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg tại Mỹ trong nhiều năm liền) mà còn ở các mảng sản phẩm có giá trị gia tăng cao (Collagen và Gelatin).

3. Cách nhận biết một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh một cách dễ dàng

Với mỗi ngành nghề, mỗi mô hình kinh doanh và mỗi loại lợi thế cạnh tranh, sẽ có những chỉ tiêu khác nhau để bạn có thể sử dụng như những dấu hiệu nhận biết.

Tuy nhiên, về cơ bản, nếu là những doanh nghiệp đã niêm yết và có những số liệu về hoạt động kinh doanh của công ty, chúng ta có thể nhận biết được lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua các chỉ số sinh lợi của doanh nghiệp gồm:

  • Biên lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin – GPM
  • Biên lợi nhuận ròng ( Net Profit Margin)
  • Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE)
  • Lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA)

Sau khi tính toán các chỉ số trên, việc tiếp theo là chúng ta sẽ so sánh các chỉ số này với các doanh nghiệp cùng ngành hoặc mức trung bình của ngành mà doanh nghiệp hoạt động (có thể cả ở Việt Nam và trên thế giới), từ đó chúng ta có thể suy ra được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đang phân tích.

Liệu VNM có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp sữa Trung Quốc  - Thị trường có quy mô hơn 60 tỷ USD?

Thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường sữa có mức độ cạnh tranh lớn nhất thế giới khi có hàng trăm hãng sữa ngoại và nội cùng tham gia vào thị trường này. Vào tháng 2 năm 2020, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác vào thị trường Trung Quốc trong khi chờ xét duyệt cấp phép xuất khẩu các sản phẩm sữa khác (sữa tươi, sữa chua,…).

Vậy liệu Vinamilk, một doanh nghiệp sữa Việt Nam có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp sữa nước ngoài hay những công ty sữa nội địa của Trung Quốc (thuộc Top 20 thế giới) không?

Cá nhân người viết cho rằng câu trả lời là hoàn toàn có khả năng.

Khi nhìn vào các chỉ số biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận ròng, ROA, và ROE của Vinamilk so với mức trung bình của 3 doanh nghiệp sữa lớn nhất Trung Quốc (gồm Yili, Mengniu, và Bright), ta thấy rằng Vinamilk đều cho thấy sự vượt trội ở cả 4 chỉ số trên.

Lợi thế này có được là do:

  • Quy mô của Vinamilk và vị trí địa lý, giúp doanh nghiệp giảm chi phí giá vốn hàng bán
  • Áp dụng công nghệ vào trong hoạt động sản xuất và kinh doanh giúp giảm các chi phí hoạt động
  • Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm để có thể tạo ra sản phẩm sữa đa dạng, mang lại giá trị gia tăng cao cho công ty (Dòng sản phẩm sữa Organic, A2,…).

Hình 1: Biên lợi nhuận gộp của VNM và trung bình 3 doanh nghiệp sữa lớn nhất Trung Quốc (Nguồn: Thomson Reuters)

Hình 2: Biên lợi nhuận ròng của VNM và trung bình 3 doanh nghiệp sữa lớn nhất Trung Quốc (Nguồn: Thomson Reuters)

Hình 3:  So sánh ROE của VNM và trung bình 3 doanh nghiệp sữa lớn nhất Trung Quốc (Nguồn: Thomson Reuters)

Hình 4: So sánh ROA của VNM và trung bình 3 doanh nghiệp sữa lớn nhất Trung Quốc (Nguồn: Thomson Reuters)

4. Notes

Nhiều doanh nghiệp có thể có biên lợi nhuận gộp rất cao trong 1 – 2 năm nhờ được hưởng lợi từ giá đầu ra tăng mạnh (giá bán). Ví dụ điển hình là Công ty Cổ phần Nam Việt (HOSE: ANV) trong giai đoạn 2018 – 2019.

Tuy nhiên...

Điều này sẽ không được coi là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp do yếu tố này chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Do vậy, để có thể đánh giá chính xác được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư sau khi so sánh 4 chỉ số như đã đề cập ở trên với các doanh nghiệp cùng ngành khác. Sau đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu thêm về doanh nghiệp (mô hình hoạt động, cơ cấu doanh thu & lợi nhuận, chu kỳ ngành,…) để có thể đưa ra những lợi thế cạnh tranh chính xác nhất của doanh nghiệp.