Mô hình tam giác

01-08-2020 - 17:00 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

1. Nhận diện mô hình Tam giác

Mô hình giá Tam giác có hình dạng khá giống với mô hình Cái Nêm và mô hình Cờ đuôi nheo, nhà đầu tư rất hay nhầm lẫn giữa các mô hình giá này mô hình giá Tam giác không cung cấp tín hiệu chính xác về sự đảo chiều hay tiếp diễn, mà đơn giản chỉ là sự tạm dừng của xu hướng hiện tại. Sau một xu hướng tăng hoặc giảm trước đó, giá bắt đầu dịch chuyển trong phạm vi hẹp, có xu hướng hội tụ lại một điểm trước khi bức phá đi theo một hướng cụ thể.

Mô hình giá Tam giác được hình thành từ 2 đường xu hướng, một trong 2 đường bắt buộc phải dốc xuống hoặc lên, đường kia đi theo hướng ngược lại hoặc đi ngang. 2 đường này hội tụ lại một điểm tạo thành hình tam giác. Đường xu hướng phía trên đi qua các đỉnh, đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự, trong khi đường phía dưới đi qua các đáy và mang ý nghĩa của một đường hỗ trợ. 

Trong mô hình Tam giác, cả phe mua và bán đều không cho thấy sự quyết liệt trong cuộc chiến giành quyền áp đảo. Càng về cuối mô hình, một trong 2 phe quyết định dốc hết lực để đưa giá đi theo xu hướng kỳ vọng hoặc có sự tác động từ một tin tức nào đó khiến đa số trader sẽ cùng đi chung một hướng làm cho giá phá vỡ mô hình Tam giác. Một sự phá vỡ sẽ tác động mạnh đến tâm lý của hầu hết trader đang ở ngoài thị trường, họ sẽ có xu hướng đi theo chiều hướng của sự phá vỡ và điều này đẩy giá đi xa hơn

2. Các loại mô hình tam giác

2.1. Mô hình tam giác cân

Là mô hình giá Tam giác được hình thành từ đường kháng cự hướng xuống và đường hỗ trợ hướng lên, hội tụ tại một điểm phía bên phải của mô hình, tạo thành hình một tam giác cân.

Trong mô hình Tam giác cân, khi giá đi được khoảng ¾ chiều dài của mô hình (73-75% chiều dài tam giác cân) thì phá vỡ sẽ xảy ra và khả năng giá phá vỡ tăng là 54% trong khi phá vỡ giảm là 46%. Mặc dù có sự chênh lệch nhưng xác suất để giá phá vỡ tăng hoặc giảm trong mô hình này vẫn gần như là ngang nhau, 50-50, ngoại trừ khi có sự tác động của một tin tức hay một sự kiện nào đó trên thị trường thì khả năng cao hơn sẽ nghiêng về một bên cụ thể.

2.2. Mô hình tam giác giảm

Là mô hình Tam giác được hình thành từ một đường kháng cự dốc xuống và đường hỗ trợ đi ngang, 2 đường này có xu hướng hội tụ tại một điểm nằm về phía bên phải, tạo thành hình một tam giác.

Ở mô hình này, giá đang tạo đỉnh thấp hơn, trong khi đáy vẫn duy trì ở ngưỡng hỗ trợ, điều này chứng tỏ phe bán dường như có vẻ đang chiếm ưu thế. Khả năng giá giảm mạnh sau khi phá vỡ mô hình. Xác suất để giá phá vỡ giảm ở mô hình này cao hơn so với xác suất phá vỡ tăng và tỷ lệ là 64%: 36%. Tuy nhiên, như đã nói lúc đầu, mô hình giá Tam giác không cho tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn chính vì thế nếu đường xu hướng dưới trong mô hình này thật sự là một ngưỡng hỗ trợ mạnh thì khả năng giá phá vỡ tăng sẽ cao hơn.

2.3. Mô hình tam giác tăng

Mô hình Tam giác tăng được hình thành bởi đường kháng cự nằm ngang và đường hỗ trợ dốc lên, 2 đường này hội tụ tại một điểm nằm bên phải tạo thành một hình tam giác.

Trong mô hình giá này, phe mua đang dường như chiếm ưu thế hơn khi tạo đáy sau cao hơn đáy trước trong khi các đỉnh gần như bằng nhau. Khả năng giá sẽ tăng lên sau khi phá vỡ mô hình.

Trong  đa số các trường hợp mô hình Tam giác tăng xảy ra thì đến 77% là giá phá vỡ tăng và chỉ 23% là giá phá vỡ giảm. Tuy nhiên, cũng như mô hình Tam giác giảm, không có điều gì là hoàn toàn chắc chắn, nếu đường xu hướng trên là một ngưỡng kháng cự mạnh thì khả năng cao giá sẽ giảm xuống sau khi phá vỡ. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thông thường, khi giá di chuyển đến khoảng 61% chiều dài mô hình thì giá sẽ breakout.

3. Vận dụng mô hình tam giác

  • Một mô hình giá Tam giác được cho là có hiệu quả cao nếu nó được hình thành từ đường kháng cự và đường hỗ trợ mạnh. Nghĩa là giá chạm vào đường xu hướng trên và dưới ít nhất 2 lần rồi quay đầu thì khả năng mô hình giá Tam giác xảy ra cao hơn.
  • Tránh nhầm lẫn mô hình giá Tam giác với các mô hình có hình dáng tương tự như mô hình giá Cái Nêm hay mô hình giá Cờ đuôi nheo.
  • Để mô hình Tam giác có hiệu lực thì ít nhất 2 lần giá phải chạm vào các đường kháng cự và hỗ trợ của mô hình, sau đó quay đầu.
  • Khối lượng giao dịch lớn cũng là một tín hiệu đi kèm để giá biến động mạnh theo một hướng nhất định.
  • Chúng ta phải kết hợp các chỉ báo kỹ thuật, mô hình nến hoặc các phương pháp khác để xác nhận tín hiệu về hướng đi của giá sau khi phá vỡ để vào lệnh cho chính xác.