Giới thiệu khái quát hệ thống Ichimoku và ứng dụng (P1)

25-08-2020 - 14:36 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

1. Hệ thống Ichimoku là gì?

Ichimoku Kinko Hyo là một chỉ báo được tạo ra bởi một nhà viết báo tên là Goichi Hosoda và một cộng sự từ năm 1968. Ichimoku dịch ra là “cái nhìn thoáng qua”. Ichimoku là một bộ các chỉ số được thiết kế như một hệ thống giao dịch riêng biệt. Những chỉ số này có thể được sử dụng để xác định mức kháng cự, hỗ trợ, quyết định xu hướng và đưa ra các dấu hiệu giao dịch.

Giống như tên gọi của nó chỉ cần một cái nhìn, người phân tích có thể xác định xu hướng và tìm kiếm các dấu hiệu tiềm năng để giao dịch trong xu hướng đó.

Có thể nói Ichimoku là chỉ báo “tất cả trong một” toàn diện nhất trong số rất nhiều chỉ báo được biết đến hiện nay, nó chứa đựng tất cả những gì mà một trader muốn có ở một Indicator.

Đối với những chỉ báo nổi tiếng như Moving Average (MA) hay Bollinger Bands, thông thường chúng ta sẽ cần phải kết hợp chúng với những công cụ hỗ trợ khác để xây dựng nên một hệ thống giao dịch đạt được hiệu quả tốt nhất, nhưng với Ichimoku điều đó gần như không cần thiết.

Đây là một chỉ báo gồm nhiều thành phần, trong đó bao gồm các thành phần có vai trò xác định xu hướng, mức hỗ trợ/kháng cự và các điểm vào lệnh/thoát lệnh một cách cụ thể.

Chính những điều đó khiến Ichimoku có thể hoạt động như một hệ thống giao dịch độc lập và cũng là điều khiến Ichimoku trở nên khác biệt so với những chỉ báo khác.

2. Cấu tạo của hệ thống Ichimoku

 

Ichimoku dường như là một chỉ báo nâng cao so với các chỉ báo phân tích kỹ thuật khác vì thoạt nhìn, hầu hết đều có chung một cảm nhận rằng Ichimoku rất phức tạp và rối rắm.

Vậy cần phải hiểu được điều quan trọng nhất giúp chúng ta có thể vận hành được chỉ báo Ichimoku là gì. Đương nhiên, đầu tiên bạn cần phải hiểu rõ các thành phần cấu tạo nên nó.

Ichimoku được tạo nên bởi 5 đường, và 2 trong số 5 đường đó kết hợp lại tạo ra một thành phần đặc biệt và vô cùng quan trọng cho chỉ báo Ichimoku, đó là Đám mây (Kumo).

Như vậy Ichimoku sẽ gồm 6 thành tố.

2.1. Tenkan-Sen: Đường chuyển đổi

Công thức tính:

Tenkan-Sen = (Giá Cao Nhất + Giá Thấp Nhất) / 2, được tính cho 9 phiên

Tenkan-Sen chính là điểm trung bình của giá cao nhất và giá thấp nhất trong 9 ngày.

Nhìn hình chúng ta có thể thấy trong xu hướng tăng giá, đường Tenkan-Sen thường chạy dưới mưc low của các cây nến, và ngược lại thường chạy trên mức giá high của các cây nến trong xu hướng giảm giá. Như vậy Tenkan-Sen diễn tả sự chuyển dộng ngắn hạn của giá tốt hơn rất nhiều sơ với SMA bởi SMA chỉ dùng mức giá đóng cửa.

Đặc điểm:

Tenkan-Sen dịch chuyển cùng xu hướng với xu hướng giá. Độ dốc càng lớn thì chứng tỏ xu hướng giá càng mạnh.

Nếu đường giá cắt Tenkan-Sen thì có thể đó là dấu hiệu của việc đảo chiều sớm. Chúng ta nên kết hợp với các thành phần khác của Ichimoku để cho độ tin cậy cao hơn

  • Đường giá nằm trên Tenkan-Sen: Xu hướng tăng giá
  • Đường giá nằm dưới Tenkan-Sen: Xu hướng giảm giá

Đường giá khi đi quá xa đường Tenkan-Sen sẽ có xu hướng bị hút lại gần với đường Tenkan-Sen.

2.2. Kijun-Sen: Đường tiêu chuẩn (Base Line)

Công thức tính:

Kijun-Sen = (Giá Cao Nhất + Giá Thấp Nhất) / 2, được tính cho 26 phiên

Kijun-Sen là đường quan trọng nhất trong số 5 đường cấu tạo nên Ichimoku và nó được xem là đường trung bình dài hạn (26 phiên)

 Đặc điểm:

Kijun-Sen thường cùng hướng với trend giá. Độ dốc càng lớn thì chứng tỏ xu hướng của giá càng mạnh. Khi dùng Kijun-Sen, thông thường chúng ta sẽ bị lỡ đoạn đầu của trend vì phải đợi trend hình thành.

  • Nếu đường giá nằm trên Kijun-Sen: xu hướng tăng giá
  • Nếu đường giá nằm dưới Kijun-Sen: xu hướng giảm giá

Đường giá khi tách khá xa với Kijun-Sen cũng thường có xu hướng bị hút lại gần Kijun-Sen theo một chu kỳ nào đó vì Kijun-Sen giống như một mức cân bằng.

 

Cả Tenkan-Sen và Kijun-Sen đều dùng để đưa ra dấu hiệu ngắn hạn, vì vậy độ tin cậy của chúng sẽ không cao như các thành phần khác của Ichimoku.

2.3. Chikou Span: Đường trễ ( Lagging Span)

Công thức tính:

Chikou Span = Giá đóng cửa hiện tại, được vẽ lùi về sau 26 phiên

Sở dĩ Chikou Span có tên là Đường trễ chính là bởi công thức tính của nó. Nhờ đó, Chikou Span sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn trực quan hơn khi so sánh giá hiện tại và giá cách 26 phiên về trước.

Nó biểu hiện quán tính hay động lượng của giá.

Các đỉnh và đáy của Chikou được dùng như là các mứng hỗ trợ và kháng cự mạnh

2.4. Senkou Span A: Đường dẫn A ( Leading Span A)

Công thức tính: 

Senkou Span A = (Tenkan-Sen + Kijun-Sen) / 2, được thể hiện trên biểu đồ bằng cách dịch về phía trước 26 phiên

Khi quan sát Senkou Span A chúng ta phải để ý 2 yếu tố là phần hiện tại và phần tương lai. Phần hiện tại chính là trung bình của Tenkan-Sen và Kijun-Sen ở 26 phiên về phía trước, còn phần tương lại là trung bình của Tenkan-Sen và Kijun-Sen hiện tại. Khi đó sự dịch chuyển của giá sẽ ảnh hưởng tới tương lai

2.5. Senkou Span B: Đường dẫn B ( Leading Span B)

Công thức tính: 

Senkou Span B = (Giá Cao Nhất + Giá Thấp Nhất) / 2, tính cho 52 phiên, được vẽ dịch về phía trước 26 phiên

Hai đường Senkou Span A và B cắt nhau tạo nên đám mây Kumo

2.6. Mây Kumo

Có thể nói mây Kumo là phần quan trọng nhất của hệ thống Ichimoku. Là phần dễ nhìn thấy nhất, mây Kumo cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về xu hướng của cổ phiếu và mối liên hệ giữa giá và xu hướng đó.

Đặc điểm:

Mây Kumo giúp chúng ta nhận ra xu hướng tiếp theo của thị trường là gì

  • Khi giá nằm dưới đám mây, nó sẽ củng cố xu hướng giảm
  • Khi giá nằm trên đám mây, nó sẽ củng cố xu hướng tăng

Đồng thời, một trong những khả năng của mây Kumo nữa là cung cấp góc nhìn tin cậy hơn về các mức hỗ trợ và kháng cự. với đặc tính như một điểm cân bằng tâm lý, mỗi khi giá ra xa và quay trở lại vùng mây, giá sẽ có xu hướng bật ra để tiếp tục đi theo xu hướng của nó

Ngoài ra, độ dày của mây cũng là một chỉ báo về mức giao động của cổ phiếu đang theo dõi. Mây càng dày thì mức giao động càng cao và ngược lại. Mây càng dày thì sức mạnh hỗ trợ hay kháng cự càng cao.