Mẫu hình nến Morning Star

03-08-2020 - 09:52 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

1. Nhận diện mô hình nến Morning star

Morning Star (Sao Mai) là cụm 3 nến đảo chiều tại đáy với một nến giảm dài, một nến thân ngắn và một nến tăng mạnh. Có thể xem đây là một biến thể của Bullish Engulfing hoặc một phiên bản nối dài của Bullish Harami.

Những ngôi Sao Mai xuất hiện vào bình minh, đi lên từ phía chân trời mang theo những năng lượng tràn trề cho ngày mới. Cũng tương tự vậy, những mô hình Morning Star xuất hiện ở đầu xu hướng tăng và hứa hẹn cho một sự đảo chiều mạnh mẽ trong tương lai.

2. Đặc điểm của mô hình nến Morning Star

Một số đặc điểm của mô hình như sau:

  • Xu hướng hiện lại phải là giảm vì đây là mô hình đảo chiều từ giảm sang tăng
  • Cây nến 1 là cây nến giảm giá mạnh sau một xu hướng giảm.
  • Cây nến thứ 2 xuất hiện với giá mở cửa thấp hơn giá đóng cửa của cây nến 1, tạo ra “gap” giữa 2 cây nến. Cây nến thứ 2 có thân nhỏ và thân nến phải thấp hơn so với thân nến 1. Cây nến 2 của mô hình ghi lại khoảnh khắc thiếu quyết đoán của thị trường giao dịch, nơi áp lực bán yếu dần và bắt đầu nhường chỗ cho lực cầu mua vào
  • Cây nến thứ 3 trong mô hình nến Morning Star là một cây nến tăng giá mạnh, có giá đóng cửa nằm trong khoảng của thân nến 1. Cây nến thứ ba xác nhận sự đảo chiều trong xu hướng của thị trường, từ xu hướng giảm thành một xu hướng tăng giá mới.

3. Hiểu và vận dụng mô hình Morning Star

Mô hình bắt đầu với một nến giảm dài cho thấy bên bán hiện đang kiểm soát tình hình và vẫn tiếp tục đẩy giá xuống trên đà hưng phấn. Tuy nhiên sau đó thị trường bắt đầu lưỡng lự, một số người trong cuộc chốt lời, một số người ngoài cuộc bắt đầu tham gia mua, một số người khác lại e dè và không muốn giao dịch. Lúc này thị trường cân bằng, tạo ra một cây nến thân ngắn, chưa thể tiếp tục xu hướng giảm mạnh.

Tiếp tục, lực mua mới xuất hiện, nhiều người bán đã chuyển sang phe mua tạo ra áp lực đẩy giá lên cuối cùng đóng cửa ở mức cao cho thấy bên mua đã vùng lên để làm chủ tình thế. Cũng chính tại lúc này, nhiều người vào lệnh bán ở nến số 1 và số 2 đã chịu một khoản lỗ kha khá. Khi một số người phải cắt lỗ, thậm chí chuyển qua bên mua, giá sẽ tăng lên và hỗ trợ thị trường đảo chiều.

4. Phân biệt mô hình Morning star, Doji Moring và Evening Star

4.1. Mô hình Morning Star và mô hình Doji Morning Star

Khi giá của nến thứ 2 dao động không đáng kể trong phiên giao dịch, và cây nến có giá đóng cửa gần bằng với giá mở cửa, sẽ tạo thành một cây nến Doji. Đây là một nến có thân nến rất nhỏ. Mô hình nến Doji Morning Star cho thấy sự thiếu quyết đoán của thị trường rõ ràng hơn so với mô hình nến Morning Star. Tuy nhiên, sự xuất hiện của mô hình nến Doji sau một cây nến đen thông thường sẽ báo hiệu một xu hướng tăng mạnh hơn và thị trường giao dịch sôi động hơn so với mô hình nến Morning Star.

4.2. Mô hình Morning Star và mô hình Evening Star

Mô hình đối lập với Morning Star là mô hình nến Evening Star. Mô hình nến Evening Star là một cụm 3 nến đảo chiều tại đỉnh (cây nến 1 là cây nến tăng giá mạnh, có thân dài; theo sau là một cây nến giảm giá hoặc tăng giá, với giá đóng cửa gần bằng giá mở cửa; và sau cùng là một cây nến giảm giá mạnh, có thân nến dài), báo hiệu sự đảo ngược của một xu hướng tăng thành một xu hướng giảm. Mô hình này thường xuất hiện cuối đợt tăng giá mạnh hoặc khi thị trường đạt mức quá mua.

5. Yếu tố làm tăng độ tin cậy cho mô hình Morning Star

  • Phải thực sử có một khoảng trống giữ nến 2 so với nến 1 và nến 3
  • Nến thứ 3 có giá đóng cửa càng cao so với nến 1 thì lực mua càng mạnh
  • Khối ượng giao dịch thấp ở nến 1 và cao ở nến 3. Điều này thể hiện lực mua đã rất mạnh mẽ và hoàn toàn áp đảo.
  • Mô hình tiệm cận với ngưỡng hỗ trợ mạnh càng cho độ tin cậy cao.