Đường xu thế: cách vẽ và ứng dụng

03-08-2020 - 10:46 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

1. Nhận diện Đường xu thế

Xu hướng là yếu tố cơ bản khi tham gia vào phân tích thị trường, tất cả các công cụ như ngưỡng hỗ trợ/ kháng cự, các mô hình giá, các đường trung bình di đông, đường xu thế,v.v.. đều có một mục đích là xác định xu hướng của thị trường để tham gia vào xu hướng đó. Giá cổ phiếu biến động theo các chuyển động zíc zắc tạo nên các đỉnh và đáy rõ rệt, chiều hướng của các đỉnh và đáy này cấu thành nên xu hướng của giá cổ phiếu. Một xu hướng được gọi là tăng khi các đỉnh và đáy liên tục đi lên, ngược lại, một xu hướng được gọi là giảm khi các đỉnh và đáy đi xuống; còn các đỉnh và đáy nằm ngang sẽ tạo nên một xu hướng đi ngang (không rõ xu hướng).

Ví dụ: cổ phiếu DXG chuyển từ xu hướng giảm trước đó thành xu hướng tăng. Khi cổ phiếu tăng giá, chiến lược mua là phù hợp và ngược lại. Giai đoạn từ tháng 5 – 8 cổ phiếu dao động không rõ xu hướng. Trong giai đoạn không rõ xu hướng, không giam gia vào mua hay bán là phù hợp nhất.

Để vẽ được một đường xu hướng tăng, cần phải có ít nhất 2 đáy, trong đó đáy thứ 2 cao hơn đáy thứ nhất và cần có 1 điểm thứ 3 thuộc đường thẳng nối 2 đáy trước để biến nó trở thành một đường xu thế hợp lệ. Tương tự với đường xu hướng giảm.

2. Các loại Đường xu thế

Xu hướng có 3 loại là xu hướng chính (có hiệu lực trên một năm), xu hướng trung gian (từ 3 tuần đến nhiều tháng) và xu hướng ngắn hạn (trong khoảng thời gian ít hơn 2-3 tuần).

Hình 1. Xu hướng chính trong giai đoạn trên là xu hướng tăng, một sự hiệu chỉnh ngắn hạn trong tháng 9, một sự hiệu chỉnh trung gian diễn ra từ tháng 10 đến tháng 1/2017. Sự hiệu chỉnh trung gian lại được chia thành 4 xu hướng ngắn hạn.

Chiến lược giao dịch: tập trung xác định xu hướng trung gian kéo dài trong vài tháng, xu hướng ngắn hạn ban đầu được dùng để xác định thời điểm. Trong một xu hướng tăng trung gian, những điều chỉnh giảm ngắn hạn sẽ được sử dụng để khởi động vị thế mua.

3. Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự

Ngưỡng hỗ trợ là các đáy hay những vùng lõm, nơi mà xu hướng mua vào cao hơn sức ép bán ra, ở đó sự sụt giá sẽ tạm ngừng và tăng trở lại. Ngược lại, ngưỡng kháng cự là các đỉnh hay vùng lồi, nơi mà sức ép bán ra cao hơn mua vào và sự tăng giá sẽ tạm dừng và giảm trở lại.

 

Ngưỡng kháng cự và hỗ trợ trong xu hướng tăng

Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự trong xu hướng giảm

Trong xu hướng tăng, ngưỡng kháng cự không đủ mạnh và sẽ bị vượt qua tại một số điểm, tương tự trong xu hướng giảm. Nếu vùng đáy hiệu chỉnh trong một xu hướng tăng nằm bên dưới ngưỡng hỗ trợ trước đó, có thể đó là một tín hiệu cảnh báo sớm cho biết xu hướng tăng đã kết thúc hoặc ít nhất đã chuyển sang xu hướng đi ngang.

Sự đảo chiều xu hướng tăng 

Sự đảo chiều xu hướng giảm

Ví dụ về sự đảo chiều xu hướng tăng và giảm khi giá cho tín hiệu sớm khi không thể vượt qua được ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ trước đó

Ví dụ về sự đảo chiều tại đáy. Trong khoảng 1 tháng từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6, giá cổ phiếu HPG đã tái kiểm nghiệm ngưỡng hỗ trợ và phục hồi trở lại, hình thành ngưỡng hỗ trợ thứ hai. Sự phá vỡ đỉnh kháng cự báo hiệu một xu hướng tăng mới.

Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự càng được kiểm tra nhiều lần trong 1 khoảng thời gian dài hơn, với khối lượng giao dịch tại ngưỡng lớn hơn, và thời gian gần đây hơn sẽ càng cho ý nghĩa quan trọng hơn. Ngoài ra, nếu bị phá vỡ bởi một mức tăng đáng kể, một ngưỡng hỗ trợ sẽ trở thành ngưỡng kháng cự và ngược lại.

Ví dụ về sự hoán đổi vai trò của ngưỡng kháng cự và hỗ trợ cổ phiếu VCB trong năm 2019 đầu năm 2020

Ngoài ra, sự hoán đổi này còn xuất hiện với thành phần là đường xu hướng, nói cách khác, đường xu hướng tăng sẽ trở thành đường kháng cự khi bị phá vỡ một cách triệt để.

Ngoài ra, các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ còn được xác định theo các tỷ lệ thoái lùi % mà chúng ta thường sử dụng chúng trong mô hình Fibonacci.

4. Đường Kênh Giá

Đường kênh giá là một biến thể hữu dụng khác của đường xu hướng. Đôi khi giá có xu hướng nằm bên trong hai đường song song – đường xu hướng cơ bản và đường kênh giá. Tương tự với đường xu hướng căn bản, kênh giá càng dài và càng được thử thành công nhiều lên thì càng có ý nghĩa và bền vững. Đường xu hướng cơ bản được sử dụng để bắt đầu những vị thế mua mới. Đường kênh giá có thể được sử dụng cho những hoạt động kiếm lời ngắn hạn.

4.1 Cách vẽ đường kênh

 

 

Ví dụ về đường kênh giá của chỉ số VN30

Việc phá vỡ đường xu hướng chính sẽ báo hiệu một sự thay đổi quan trọng về xu hướng. Tuy nhiên, sự phá vỡ đường kênh giá tăng lại có một ý nghĩa ngược lại, báo hiệu một sự tăng tốc trong xu hướng hiện tại. Một sự thất bại trong việc tiếp cận đường kênh giá sẽ thấy sự suy yếu trong xu hướng.

Ví dụ: Sự thất bại trong việc tiếp cận đường kênh giá trên thường được coi là tín hiệu cảnh báo khả năng bị phá vỡ của đường xu thế phía dưới. Theo sau sự thất bại trong việc tiếp cận đường kênh giá trên tại điểm 5 là sự phá vỡ của xu hướng tăng cơ bản tại điểm 6

Vẽ lại đường xu hướng khi đường kênh bị phá vỡ ( đường 4-6 song song với đường 3-5).