Đường trung bình di động và hướng dẫn sử dụng

03-08-2020 - 10:07 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

1. Khái niệm về Đường trung bình di động

Đường trung bình di động là một trong những chi báo kỹ thuật linh hoạt nhất và được sử dụng rộng rãi. Đường trung bình di động được vẽ và kiểm tra một cách dễ dàng nên được coi là nền tảng cơ sở cho nhiều hệ thống tuân theo xu hướng. Đây là một công cụ rất chính xác và có thể được lập trình dễ dàng vào máy tính và tạo ra các tín hiệu mua – bán cho nhà đầu tư.

Đường trung bình di động là mức bình quân của dữ liệu nghiên cứu, ví dụ ta lấy tổng giá 10 ngày gần nhất chia cho 10 ta sẽ được đường trung bình di động của 10 ngày, từ “di động” đuợc sử dụng bời giá cùa 10 ngày gần nhất đuợc tính đến (giá đang vận động). Vì thế, dữ liệu trung bình (giá đóng cửa 10 ngày gần nhất) được tính liên tục về sau theo mỗi phiên giao dịch mới.

Có nhiều vấn đề cần được xem xét khi sử dụng đường trung bình di động. Ví dụ, nên tính trung bình của bao nhiêu ngày? Nên sử dụng trung bình dài hạn hay ngắn hạn? Giá đóng cửa có phải là giá tốt nhất dùng để tính bình quân không? Có nên sử dụng nhiều hơn một đường trung bình không? Chúng ta sẽ xem xét các vấn đề đó trong bài viết sau.

Hình 1. Đường trung bình di động 20 ngày ( màu tím) và đường trung bình di động 50 ngày (màu đỏ ) của cổ phiếu HPG. Giá cắt đường trung bình di động khá nhiều lần trước khi di chuyển theo hướng tăng.

Về cơ bản, đường trung bình di động là một công cụ tuân theo xu huớng chứ không phải đi trước xu hướng. Mục đích của nó là để nhận diện hoặc báo hiệu một xu huớng mới bắt đầu hoặc một xu hướng cũ đã kết thúc hoặc đã đảo chiều. 

Những đường trung bình ngắn hạn nhạy cảm với động thái giá hơn so với những đường trung bình dài hạn.

Hình 2. So sánh giữa đường MA 20 và MA 200 ngày. Trong khoảng từ tháng 12/2018 đến 12/2019, giá cắt đường MA 20 nhiều lần tuy nhiên mặt bằng giá vẫn duy trì chủ yếu trên đường MA 200 ngày trong cả giai đoạn.

2. Các loại đường trung bình di động

Đường trung bình di động giản đơn (Simple Moving Average – SMA)

Giá đóng cửa của mỗi phiên giao dịch sẽ có tỷ trọng như nhau, ví dụ trong đường MA 10 thì giá mỗi ngày chiếm 10% tỷ trọng, trong MA5 thì con số đó là 20%

Đường trung bình di động tỷ trọng tuyến tính (Weighted Moving Average - WMA). Trong cách tính này, đối với đường MA 10, giá đóng cửa ngày 10 (tức ngày gần nhất)  sẽ nhân với 10, ngày 9 nhân với 9,... cứ như vậy cho đến hết. Tổng sau đó sẽ được chia cho tổng các bội số là 10+9+8+...1=55. Vì vậy, giá đóng cửa gần đây hơn sẽ được tính với tỷ trọng lớn hơn.

Đường trung bình di động theo hàm mũ (Exponentially Smoothed Moving Average - EMA)

Đường trung bình di động theo hàm mũ ấn định tỷ trọng lớn hơn cho dữ liệu cận kề hơn, NĐT còn có thể điều chỉnh tỷ trọng lớn hơn hoặc nhỏ hơn cho mức giá của ngày gần nhất. Ví dụ, để tính toán EMA 10 ngày hiện tại thì giá của ngày gần nhất sẽ được ấn định là 10%, rồi cộng với 90% giá trị của EMA 10 của ngày trước đó. Việc ấn định giá cao hơn hay thấp hơn cho ngày hiện tại sẽ làm cho đường EMA trở nên nhạy hơn hay kém nhạy cảm hơn. 

Chúng ta sẽ cùng xem xét cả 3 đường đó trong biểu đồ dưới đây:

Hình 3. Xem xét cả 3 loại đường trung bình di động của cổ phiếu HPG trong giai đoạn từ 3/2019 đến 3/2020. Đường WMA và EMA nhạy cảm hơn so với đường SMA khi bám sát đường giá hơn.

3. Cách sử dụng đường trung bình di động

Trong bài viết này, tác giả sẽ sử dụng đường trung bình di động giản đơn do tính phổ biến nhất của loại công cụ này.

Khi giá đóng cửa dịch chuyển lên trên đường trung binh di động, một tín hiệu mua sẽ được tạo ra. Tín hiệu bán sẽ xuất hiện khi giá nằm dưới đường trung bình động. Ngoài ra, NĐT  cũng nên kỳ vọng nhìn thấy sự tự chuyển huớng của đường trung bình di dộng theo hướng phát triển của đường giá khi có sự giao nhau.

Hình 4. Giá cổ phiếu BID rơi xuống dưới đường MA50 vào giữa tháng 4/2020. Tín hiệu bán cũng mạnh hơn khi đường trung bình di động quay đầu đi xuống. Tín hiệu mua được xác nhận vào giữa tháng 7 khi đường MA 50 quay đầu đi lên.

Việc sử dụng đường trung bình di dộng ngắn hạn hơn sẽ phát ra nhiều tín hiệu hơn, và dĩ nhiên, nó sẽ cho tín hiệu xu hướng sớm hơn. Tuy nhiên, việc cho quá nhiều tín hiệu đôi khi cũng có thể cho bị nhiễu và kích hoạt những tín hiệu xu hướng sai. Đường trung bình dài hạn hơn sẽ ít nhạy hơn (do đuổi theo xu hướng từ một khoảng cách xa hơn), do đó sẽ cho các tín hiệu đáng tin cậy hơn, nhưng đồng thời cũng làm cho NĐT phản ứng 1 cách chậm hơn. Chính vì ưu nhược điểm của từng loại nên chúng ta sẽ có lợi thế hơn khi sử dụng song song cả hai đường trung bình ngắn hạn và dài hạn.

Hình 5. Đường MA10 ( đỏ) của CTG  tạo ra các tín hiệu sớm hơn. Đường MA50 ( tím) thì chậm hơn nhưng đáng tin cậy hơn. Đường MA10 quay đầu hướng lên trước tại đáy vào tháng 7 nhưng nó cũng cho thấy 2 tín hiệu mua vội vàng ở 2 tháng trước đó 5 và 6.

Sử dụng hai – ba đường trung bình để tạo ra tín hiệu mua/bán

Một tín hiệu mua được tạo ra khi đuờng trung bình ngắn hơn cắt lên trên một đường dài hơn. Ví dụ, hai sự kết hợp phổ biến là đường 5 và 20 ngày, đường 10 và 50 ngày. Ở trường hợp đầu tiên, một tín hiệu mua sẽ xuất hiện khi đường trung bình 5 ngày giao lên trên đường 20 ngày, và một tín hiệu bán xuất hiện khi đường trung bình 10 ngày cắt xuống dưới đường 20 ngày. Việc sử dụng hai đường trung bình sẽ tạo ra ít hiện tượng nhiễu.

Hình 6. Các tín hiệu mua cp VPB được xác nhận khi đường MA5 cắt đường MA20 từ dưới lên và ngược lại. Việc sử dụng song song 2 đường sẽ theo kịp cả xu hướng của giá cổ phiếu.

NĐT cũng có thể sử dụng 3 đường trung bình để xác nhận thời điểm mua bán, ví dụ như sử dụng 3 đường 5-10-20, tín hiệu mua khi đường ngắn nhất 5 cắt đường 10 từ dưới đi lên và được xác nhận khi đường 10 cắt đường 20 từ dưới đi lên. Ngược lại với tín hiệu bán.

Hình 7. Tín hiệu mua đầu tiên của Vnindex vào đầu tháng 4 khi MA5 cắt MA10 từ dưới lên (xu hướng trước đó là xu hướng giảm) và chính thức được xác nhận khi đường MA10 cắt MA20 từ dưới đi lên vào phiên 10/4

Sử dụng đường MA như một công cụ để xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự

Một cách khác để sử dụng MA xem nó như những hỗ trợ và kháng cự động. Chúng ta gọi nó là “động” vì khác với kháng cự truyền thống là những đường nằm ngang. MA thay đổi dựa vào biến động của giá nên được gọi là “động” . Tuy nhiên, việc sử dụng các đường MA như 1 đường kháng cự/hỗ trợ để tạo ra các tín hiệu mua bán gây ra nhiều rủi ro, bởi thực chất đường MA hoạt động tuân theo xu hướng nên khi xu hướng đảo chiều, giá sẽ cắt các ngưỡng hỗ trợ/ kháng cự “động” này, do đó tạo ra tín hiệu mua bán ngược.

Hình 8. Đường MA20 là hỗ trợ “ động” của cổ phiếu REE trong tháng 12/2017, tuy nhiên đến giữa tháng 1 khi xu hướng tăng trước đó bị đảo chiều, ngưỡng hỗ trợ không còn tạo ra tín hiệu mua nữa khi giá liên tục cắt xuống dưới đường MA.

Đường trung bình di dộng còn có ứng dụng trong việc sử dụng 2 công cụ vô cùng hiệu quả khác đó là dải Bollinger Band và MACD, tuy nhiên, chúng tôi sẽ viết riêng từng chủ đề này trong các bài viết tới.