VHC – Doanh thu sơ bộ nửa đầu 2021: Tăng trưởng doanh thu mạnh nhờ trụ cột thị trường Mỹ

19/07/2021 - 08:42 | Diễn đàn | 0 Bình luận | 0 Thích | Tags:


Linh.Nguyen

Ngày tham gia: 12/11/2020

(16)


  • Doanh thu sơ bộ nửa đầu 2021 là 4.136 tỷ đồng (+25% n/n), hoàn thành 48% kế hoạch của VHC và 46% dự báo doanh thu cả năm của chúng tôi, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của doanh thu xuất khẩu phi lê tại các thị trường chính, đặc biệt là Mỹ. VHC chưa công bố lợi nhuận Q2/2021 nhưng chúng tôi lo ngại rằng giá cá nguyên liệu và chi phí logistics tăng cao sẽ ăn mòn LNST trong Q2. Chúng tôi dự báo LNST Q2 của VHC là 165 tỷ đồng (-23% n/n) do thu hẹp biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng lần lượt là 83 và 619 điểm cơ bản.
  • Triển vọng nửa cuối 2021, chúng tôi kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu mức tăng doanh thu phi lê nhưng chi phí hoạt động tăng vẫn gây áp lực lên biên lợi nhuận. Trong năm 2021, chúng tôi ước tính doanh thu của VHC là 8.970 tỷ đồng (+27% n/n) và LNST là 620 tỷ đồng (-12% n/n).
  • Chúng tôi hạ giá mục tiêu 3% xuống còn 000 đồng/cp để phản ánh những lo ngại của chúng tôi về chi phí tăng mạnh cũng như CAPEX lớn dẫn đến dòng tiền âm trong năm 2021. Với mức cổ tức tiền mặt dự kiến ​​trong 12 tháng tới là 1.000 đồng/cp, suất sinh lợi đạt 18% dựa trên giá đóng cửa ngày 16/7/2021. Chúng tôi khuyến nghị TÍCH LŨY đối với VHC.

Doanh thu nửa đầu 2021 phục hồi mạnh mẽ như dự báo của chúng tôi

Doanh thu sơ bộ nửa đầu 2021 của VHC tăng 25% n/n đạt 4.136 tỷ đồng. Kết quả này hoàn thành 48% kế hoạch của VHC và 46% dự báo doanh thu cả năm của chúng tôi, cụ thể:

  • Doanh thu phi-lê 6T/2021 tăng 17% n/n đạt 2.718 tỷ đồng nhờ sản lượng xuất khẩu của VHC tăng mạnh (41 nghìn tấn, +25% n/n, theo ước tính của chúng tôi) trong khi giá bán bình quân 6T/2021 vẫn ở mức thấp (2,9 USD / kg, -7% n/n, theo ước tính của chúng tôi). Trong đó, doanh thu phi-lê Q2/2021 tăng 37% n/n, cho thấy dấu hiệu phục hồi tại các thị trường xuất khẩu chính từ mức đáy Q2/2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Theo VASEP, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 6T/2021 đã tăng mạnh 18% n/n, đạt 788 triệu USD, chủ yếu là nhờ nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại để thúc đẩy nhu cầu ăn uống tăng mạnh.
  • Doanh thu phụ phẩm ghi nhận 791 tỷ đồng, tăng mạnh 60% n/n, chủ yếu nhờ sản phẩm bột cá (nguyên liệu chính trong sản xuất thức ăn gia súc) và dầu cá (chủ yếu tiêu thụ nội địa). Việt Nam là nhà xuất khẩu bột cá lớn thứ hai vào Trung Quốc, chỉ sau Peru. Theo Fish Trade, giá bột cá nhập khẩu vào Trung Quốc hiện tăng khoảng 20% n/n, nhờ nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh của Trung Quốc khi nước này bắt đầu tái lại đàn lợn sau đợt dịch tả châu Phi. Do đó, chúng tôi cho rằng VHC đã tăng được cả sản lượng và giá bán bột cá trong nửa đầu năm 2021. Hơn nữa, nhà máy dầu cá Vĩnh Phước đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2021 và cho ra đời các sản phẩm dầu cá tiêu chuẩn cao với giá bán cao hơn, theo VHC.
  • Ngược lại, doanh thu collagen & gelatin trong 6 tháng chỉ đạt 312 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Theo quan điểm của chúng tôi, những lý do chính cho sự tăng trưởng thấp này là: 1) VHC có thể đã hạ giá bán C&G để cạnh tranh với collagen bò và lợn vì khách hàng đã chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn trong bối cảnh COVID-19; và 2) tình trạng thiếu container nghiêm trọng đã làm trì hoãn các đơn hàng xuất khẩu của C&G.
  • Sa Giang (HNX: SGC) - nhà sản xuất bánh phồng tôm lớn nhất Việt Nam được VHC mua lại 76,72% đầu năm 2021, ghi nhận doanh thu 145 tỷ đồng, đóng góp 3,5% vào doanh thu của VHC. Trong đó, doanh thu bánh phồng tôm chiếm 76% doanh thu và phần còn lại đến từ các sản phẩm sản xuất từ gạo (hủ tiếu, bún, sợi phở,...). Về lâu dài, SGC sẽ mở rộng mảng sản phẩm từ gạo do biên lợi nhuận cao hơn mảng bánh phồng tôm cũng như phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Thị trường Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu tăng trưởng doanh thu nửa đầu năm

Doanh thu xuất khẩu của VHC sang Mỹ tăng 39% n/n đạt 1.610 tỷ đồng. Với 50% thị phần tại Mỹ, VHC đã được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu tại Mỹ sau khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn. Trong Q2-2021, doanh thu xuất khẩu của VHC sang Mỹ tăng mạnh 124% n/n do trong Q2-2020, dịch vụ ăn uống của Mỹ đóng cửa trong bối cảnh COVID-19 bùng phát. Theo VASEP, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ghi nhận 160 triệu USD trong 6 tháng đầu 2021, tăng gần 60% n/n, trong đó khối lượng xuất khẩu tăng hơn 60% n/n và giá bán bình quân đi ngang.

Doanh thu xuất khẩu của VHC sang EU trong 6 tháng đầu tăng 5% n/n, ở mức 728 tỷ đồng. Nếu loại trừ đóng góp của SGC (80 tỷ đồng), doanh thu xuất khẩu sang EU giảm 6% n/n do nhu cầu tăng chậm trong bối cảnh các đợt bùng phát COVID-19 mới. Chúng tôi lưu ý rằng doanh thu xuất khẩu của VHC sang EU năm 2020 vẫn ở mức cao, được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ cá tra cao của kênh bán lẻ siêu thị giai đoạn giãn cách xã hội ở nước này. Doanh thu xuất khẩu 6 tháng sang Trung Quốc tăng 61% n/n, đạt 569 tỷ đồng nhờ mức nền thấp trong nửa đầu 2020.

Triển vọng nửa cuối 2021

Thị trường Mỹ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng

Chúng tôi dự báo giá trị xuất khẩu phi lê của VHC sẽ tăng 20% ​​n/n trong cả năm 2021 nhờ sự phục hồi về cả sản lượng xuất khẩu và giá bán. Chúng tôi kỳ vọng khối lượng xuất khẩu sẽ tăng 12% n/n và giá bán bình quân tăng 6% n/n ở mức 3,02 USD/kg trong năm 2021. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng nhờ sản lượng xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khi các khách sạn và nhà hàng mở cửa trở lại. Chúng tôi ước tính doanh thu xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng 13% n/n trong 6 tháng cuối 2021 và 23% cho cả năm 2021.

Chúng tôi ước tính rằng doanh thu xuất khẩu sang EU sẽ chỉ tăng 7% n/n do giá cước vận chuyển container châu Á-EU tăng mạnh cũng như sự phục hồi kênh dịch vụ ăn uống chậm hơn so với Mỹ. Đối với Trung Quốc, chúng tôi dự đoán rằng doanh thu xuất khẩu sẽ chỉ tăng 15% n/n do tăng trưởng doanh thu âm trong nửa cuối 2021 (-25% n/n, theo ước tính của chúng tôi) do việc kiểm dịch tại nước này ngày càng chặt chẽ hơn đối với nhập khẩu thực phẩm đông lạnh. Vào tháng 5, một cảng ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đã tạm ngừng nhâp khẩu thủy sản đông lạnh từ 11 quốc gia châu Á và việc đình chỉ này có thể lan sang các cảng khác ở Trung Quốc. Nếu đúng như vậy, điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2021.

Chi phí tăng mạnh đặt áp lực lên biên lợi nhuận

VHC chưa công bố kết quả lợi nhuận Q2-2021 nhưng chúng tôi lo ngại rằng giá cá nguyên liệu và chi phí logistic sẽ làm ăn mòn lợi nhuận của VHC năm 2021.

  • Giá cá nguyên liệu dự kiến sẽ tăng do thiếu hụt nguồn cung cá nguyên liệu (cung tăng chậm hơn so với nhu cầu phục hồi) và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao làm thu hẹp diện tích nuôi mới.
  • Chi phí logistic duy trì mức cao nửa cuối 2021. Theo VASEP, giá cước vận chuyển container lạnh đã tăng gấp 4 lần kể từ tháng 7 năm 2020 và dường như chưa nhìn thấy đỉnh. Chúng tôi kỳ vọng rằng chi phí logistic chỉ có thể hạ nhiệt từ Q4-FY21 khi việc triển khai vắc xin thành công giúp thương mại toàn cầu trở nên cân bằng hơn.

Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng trong năm 2021 lần lượt đạt 14,1% và 6,9%, thu hẹp tương ứng là 13 và 311 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Chúng tôi ước tính doanh thu của VHC là 8.970 tỷ đồng (+ 27% n/n) và LNST là 620 tỷ đồng (-12% n/n).




CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN