EBIT và EBITDA: Cách tính và ứng dụng trong phân tích tài chính doanh nghiệp

17-08-2020 - 12:22 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

Là hai chỉ tiêu thông dụng được sự dụng nhiều trong phân tích tài chính doanh nghiệp, EBIT và EBITDA được rất nhiều nhà phân tích ưa chuộng trong việc đo lường hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng làm rõ cách tính toán và ứng dụng của hai chỉ tiêu trong bài viết này nhé

1. EBIT và EBITDA là gì?

  • EBIT ( Earnings Before Interest and Tax) là lợi nhuận trước lãi vay và thuế ,được thể hiện bằng lợi nhuận kiếm được từ hoạt động kinh doanh.
  • EBITDA ( Earnings before interest, taxes, depreciation and amortization) là thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao. Chỉ số thể hiện tỷ suất sinh lời hay lợi nhuận hoạt động hiện tại của doanh nghiệp bằng cách không trừ tiền lãi, thuế và khấu hao trong lợi nhuận công ty nhằm loại bỏ ảnh hưởng của chi phí khấu hao hay lợi thế thương mại vốn phụ thuộc vào phương pháp kế toán khác nhau của từng doanh nghiệp, cấu trúc vốn và chi phí thuế.

2. EBIT và EBITDA được tính toán như thế nào?

Bản thân định nghĩa về 2 chỉ tiêu này cũng đã cho chúng ta cách tính toán các chỉ tiêu này từ các dữ liệu trong báo cáo tài chính.

Cụ thể:

EBIT = LNTT + Chi phí lãi vay 

EBITDA = Lợi nhuận trước thuế + Lãi Vay + Khấu hao

              = EBIT + Khấu hao

Ví dụ như trường hợp của VNM chúng ta có thể tính toán EBIT như sau:

Kết thúc kỳ báo cáo tài chính năm 2019

EBIT = Lợi nhuận kế toán trước thuế + Chi phí lãi vay = 2,649 tỷ + 35 tỷ = 2,684 tỷ

EBITDA VNM 2019 = EBIT + Khấu hao và phân bổ = 2,684 tỷ +1,948 tỷ = 4,632 tỷ

3. Hiểu và ứng dụng EBIT và EBITDA trong phân tích tài chính doanh nghiệp 

3.1. Chỉ tiêu EBIT

Chúng ta đều biết rằng, các doanh nghiệp có cấu trúc vốn khác nhau sẽ có chi phí vay khác nhau và phạm vị, khu vực hoạt động của doanh nghiệp sẽ yêu cầu mức thuế của chính phủ khác nhau. Vì vậy, qua việc không tính lãi vay và thuế, tức là loại bỏ sự khác biệt giữa cấu trúc vốn và tỷ suất thuế của các doanh nghiệp, sử dụng chỉ số EBIT,  giúp các nhà đầu tư dễ dàng so sánh các công ty với nhau trên phương diện tạo khả năng tạo lợi nhuận.

Ngoài ra, EBIT và thuế còn giúp nhà đầu tư so sánh được các doanh nghiệp trong nhiều tình huống.

Ví dụ nếu muốn đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp, kết quả chỉ số EBIT giúp họ xác định được lợi nhuận doanh nghiệp khi không phải đóng thuế, từ đó phân tích tình hình tài chính theo trường hợp nếu đã được giảm thuế hoặc giảm thuế doanh nghiệp (FPT được giảm thuế doanh nghiệp 25% so với doanh nghiệp cùng ngành) thì lợi nhuận ròng hoặc thu nhập của doanh nghiệp đó sẽ tăng theo.

Cuối cùng, chỉ số cũng giúp trong quá trình phân tích quá trình sử dụng vốn của công ty cũng như giúp các nhà đầu tư đánh giá hiệu suất hoạt động thực cũng như tiềm năng thu nhập của doanh nghiệp sau khi loại bỏ nợ và lãi vay.

Trong đầu tư nói riêng, EBIT còn có các ứng dụng bao gồm các chỉ tiêu tài chính khác giúp cho các nhà đầu tư có cái nhìn bao quát hơn về khả năng quản lý tài chính của doanh nghiệp.

Đầu tiên,

Chỉ số EBIT Margin (biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay) cũng được dùng để phản ánh hiệu quả quản lý của doanh nghiệp đối với các chi phí hoạt động ( chi phí bán hàng, giá vốn hàng bán, chi phí quản lý doanh nghiệp,...) chính xác hơn do không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế hay khoản thu nhập khác nằm ngoài lĩnh vực hoạt động chính. Chỉ số được xác định qua:

EBIT Margin = EBIT/ doanh thu thuần

Nó thể hiện tổng đồng lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của doanh nghiệp từ 1 đồng doanh thu thuần được tạo ra. Vì vậy, một doanh nghiệp có EBIT margin cao (trung bình 15% trở lên) và duy trì trong nhiều năm thường thể hiện khả năng kiểm soát chi phí tốt và doanh nghiệp đang đi đúng hướng với ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình. 

Bên cạnh đó...

EBIT còn được sử dụng để phản ánh khả năng thanh toán lãi vay thông qua hệ số khả năng thanh toán lãi vay được thể hiện qua công thức

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = EBIT/ Chi phí lãi vay

Chỉ số này phản ánh sự đảm bảo cho khả năng trả lãi vay dựa trên thu nhập hiện có của DN nghiệp đó. Nói cách khác, nó thể hiện số đồng lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) được sử dụng để chi trả một đồng chi phí lãi vay. Hệ số khả năng thanh toán này càng thấp càng thể hiện chi phí lãi vay của doanh nghiệp cao hoặc doanh nghiệp có năng lực thấp trong việc tạo ra đủ doanh thu đáp ứng các lãi vay.

Ngược lại, chỉ tiêu này càng cao càng thể hiện khả năng bù đắp chi phí lãi vay càng tốt, vì vậy, DN có chỉ số cao và ổn định qua các kỳ sẽ đảm bảo cho ngân hàng sẵn sàng tiếp tục cung cấp vốn cho DN khi số gốc vay nợ cũ đến hạn thanh toán. 

3.2. Chỉ tiêu EBITDA

Chỉ số EBITDA thường được áp dụng để phân tích,so sánh và đánh giá thực lực các doanh nghiệp trong  đặc biệt doanh nghiệp trong ngành có tài sản giá trợ lớn và chiết khấu trong thời gian dài ( ví dụ ngành CNTT) vì nó bỏ qua yếu tố khấu hao tài sản và trường hợp doanh nghiệp có thiệt hại về lợi nhuận nhiều do chi phí khấu hao lớn. Nó thường được sử dụng chính xác nhất cho các doanh nghiệp có giá trị tài sản lớn, cần nhiều thời gian để khấu hao hết ví dụ như Vinamilk hoặc lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin.

Ví dụ trong ngành viễn thông, ngành này có đặc điểm tăng trưởng cao, sử dụng nhiều vốn với chi phí cố định và nợ vay cao và sử dụng lượng tài sản cố định dẫn đến chi phí khấu hao tương ứng cao. Ngoài ra, ngành này cũng nhận được nhiều ưu đãi thuế từ chính phủ, là nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi bất ổn trong dòng tiền tự do. Vì vậy, bằng cách loại bỏ chi phí vốn, khấu hao và chi phí tài chính của  EBITDA, chỉ số phản ánh chính xác hơn năng lực cũng như thu nhập cho những công ty viễn thông.

Chỉ số EBITDA Margin cũng được sử dụng để so sánh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp qua các năm và so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành khác. Chỉ số EBITDA Margin được tính theo công thức

EBITDA Margin = EBITDA / Doanh thu thuần

Trong việc định giá doanh nghiệp, chỉ số EV/EBITDA được sự dụng rộng rãi, đây cũng là một trong những chỉ số được nhà đầu tư lập dị nhưng tài năng kiệt xuất Mike Burry ưa thích sự dụng

Trong đó:  EV: Enterprise value = Equity value – net debt

Chỉ số này loại bỏ  sự thay đổi trong cơ cấu vốn và khấu hao giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác hơn khi so sánh các doanh nghiệp có cấu trúc vốn hay khác ngành nghề nhau ( có chi phí và thời gian khấu hao khác nhau). Mặc dù giá trị EV/EBITDA trung bình sẽ khác nhau và phụ thuộc vào ngành nghề của doanh nghiệp, nhìn chung, doanh nghiệp có EV/EBITDA dưới 10 được đánh giá là lành mạnh và có tình hình quản lý tài chính tốt.

4. Nhược điểm của EBITDA

Mặc dù EBITDA là công cụ loại bỏ yếu tố dẫn đến sự khác biệt trong lợi nhuận của các công ty có sự khác nhau trong yếu tố tài chính (cấu trúc vốn, chi phí lãi vay) và yếu tố phương pháp tính khấu hao để phù hợp cho việc so sánh khả năng sinh lời doanh nghiệp, chỉ số này vẫn có những điểm yếu trong việc phản ánh đầy đủ tình trạng tài chính và giá trị thực của doanh nghiệp.

Trước hết...

Vì EBITDA dựa trên các số liệu kế toán dồn tích, tức là, ghi nhận một lần bán ngay khi sản phẩm được chuyển thành công đến nhà bán lẻ thay vì nghi nhận khi nhà bán lẻ hoàn thành thanh toán đơn hàng như kế toán tiền mặt.

Vì vậy, nó không phản ánh chính xác lượng tiền mặt mà công ty thực tế thu nhận được mà chỉ là tiền mặt thu nhận được trên sổ sách.

Bên cạnh đó, dòng tiền thực sự của một doanh nghiệp sẽ bị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính yếu tố mà EBITDA bỏ qua là lãi suất, thuế mặc dù hai yếu tố này cần được bao gồm khi đánh giá sự thay đổi của dòng tiền ( trước khi trả cổ tức cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải trả tiền lãi và thuế và số tiền đó phải đến từ một khoản mục nào đó được ghi nhận, có thể được đến từ khoản mục tiền mặt hoặc dòng tiền khác).

Đồng thời,

EBITDA cũng loại bỏ yếu tố khấu hao (phương pháp kế toán được dùng để phân bổ chi phí đầu tư vốn), tuy nhiên, những tài sản, thiết bị hay bản quyền thuộc sở hữu của doanh nghiệp đều được tạo nên từ một nguồn vốn và cần được ghi nhận như chi phí bỏ ra ban đầu.

Vì vậy, nó cần được trừ dần giá trị theo thời gian thay vì chỉ ghi nhận một lần duy nhất qua việc loại bỏ tính khấu hao. Mặc dù chi phí này không thực sự làm doanh nghiệp phải chi trả khoản chi phí bằng tiền mặt; nhưng thực tế, nó làm giảm đi tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp và sự sụt giảm này cần được tính để phản ánh bản chất và giá trị của tài sản trên thực tế.

Trên thực tế, việc loại bỏ yếu tố khấu hao trong công thức tính EBITDA cho các doanh nghiệp sản xuất thường dẫn đến phóng đại lợi nhuận của doanh nghiệp việc bỏ qua sự hao hụt giá trị của máy móc, thiết bị và nhà xưởng.

Ví dụ Vinamilk xây dựng nhà nông trại có máy móc sản xuất sữa và các tài sản đó được ghi nhận vào mục tài sản, nhà xưởng và thiết bị do khi các tài sản này đưa vào hoạt động, các loại tài sản này sẽ mất dần giá trị. Vì vậy, việc sử dụng EBITDA cho việc định giá và phân tích doanh nghiệp trong ngành này là một thiếu sót. 

5. Lời kết

Mặc dù có những điểm hạn chế bên cạnh những ưu điểm như đã phân tích ở trên thì hai chỉ số này vẫn là những chỉ số được sự dụng khá rộng rãi trong việc phân tích và định giá doanh nghiệp, đặc biệt là phương pháp Relative Valuation. Tuy nhiên, nên áp dụng nhiều chỉ số khác trong quá trình định giá để có kết quả có độ tin cậy cao hơn.