Chỉ số P/E: Thông dụng nhưng cũng dễ nhầm lẫn khi sử dụng

17-08-2020 - 21:16 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

Có thể P/E là chỉ số được đông đảo nhà đầu tư sự dụng nhất trong khi định giá cổ phiếu và đôi khi là lạm dụng. Liệu nó có được áp dụng đối với tất cả các trường hợp định giá và bạn đã hiểu cũng như sự dụng đúng chỉ số này?

Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

1. Chỉ số P/E là gì?

Trong nhiều cách định giá cổ phiếu, P/E là một phương pháp được ưa thích bởi rất nhiều nhà đầu tư và các chuyên viên phân tích. Chỉ số dùng để đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS). Điều này thể hiện nhà đầu tư phải trả bao nhiêu tiền cho một cổ phiếu dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp đó.

P/E = Price/ EPS

2. Các loại chỉ số P/E

Forward P/E: là P/E dự tính sử dụng EPS dự phóng trong tương lai để tính toán, dùng để so sánh thu nhập hiện tại với thu nhập trong tương lai (12 tháng tiếp theo hoặc cả năm tài chính). Nếu thu nhập được kì vọng tăng trong tương lai, P/E dự tính sẽ thấp hơn P/E hiện tại.

P/E dự tính =  Giá thị trường của cổ phiếu/ EPS kì vọng

Trailing P/E là P/E quá khứ, phản ánh số liệu khách quan về hiệu suất trong thời gian qua của doanh nghiệp nhưng không báo hiệu hành vi trong tương lai.

Trailing P/E = Giá cổ phiếu hiện tại/ Tổng thu nhập EPS trong 12 tháng qua

P/E ngành và P/E thị trường

P/E ngành là P/E bình quân của các công ty cùng ngành, được nhà đầu tư dùng để so sánh các công ty với nhau.

P/E thị trường là P/E của bình quân toàn bộ chứng khoán trên thị trường, cũng được dùng để so sánh với mức tăng trưởng chung, đánh giá chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Cách tính chỉ số P/E

P/E viết tắt của Price (giá thị trường của cố phiếu) chia cho Earning per share (lợi nhuận ròng của một cổ phiếu). Giá cổ phiếu thường được cập nhập trên lịch sử giá giao dịch. Do vậy, biến số được quan tâm ở đây sẽ là EPS, khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Giá cổ phiếu ngày 31/12/2019 của VIC là 115,000 đồng

Năm 2019, EPS của VIC là 2,433 đồng

Chỉ số P/E của VIC năm 2019 là 115,000/2,433 = 47.27

Trong trường hợp báo cáo tài chính không cung cấp EPS, bạn có thể tự tính bằng công thức sau

EPS = (Lợi nhuận sau thuế - Cổ tức ưu đãi) / SLCP thường đang lưu hành 

4. Đánh giá chỉ số P/E

P/E của thị trường chứng khoán đã về mức hấp dẫn? | Vietstock

Hiểu rằng P/E là giá thị trường chia cho lợi nhuận ròng của một cổ phiếu. Nếu chỉ số P/E quá cao, có hai khả năng xảy ra.

Thứ nhất, nếu EPS nhỏ hơn 1, công ty hoạt động chưa năng suất hoặc có thể đang gặp khó khăn trong quản lý vốn, đầu tư hay trả nợ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng của doanh nghiệp và sẵn sàng trả một mức giá cao cho cổ phiếu của doanh nghiệp đó, khiến P/E cao. Tất nhiên là sực lạc quan đó có thể là thái quá hoặc thậm chí là SAI. Quyết định đầu tư cổ phiếu này, bạn chắc hẳn phải có niềm tin yêu mãnh liệt và kiên nhẫn chờ đợi một khoảng thời gian lâu dài để cổ phiếu hồi phục và thu hồi được hết vốn đã đầu tư.

Trường hợp thứ 2 là EPS của doanh nghiệp đang tăng trưởng và lớn hơn 1, chứng tỏ giá cổ phiếu đang tăng lên, nhà đầu tư đang quá lạc quan vào thị trường hoặc khả năng của doanh nghiệp, tin rằng giá cổ phiếu chắc chắn tăng lên nữa nên sẵn sàng trả một mức giá cao và chấp nhận mức P/E cao. Nếu sự kì vọng và lạc quan của nhà đầu tư là không hợp lý, giá trị thật của doanh nghiệp thấp hơn mức dự đoán, P/E sẽ có xu hướng tự điều chỉnh về mức hợp lý.

Với việc EPS cao khiến P/E thấp đôi khi cũng không hẳn là hấp dẫn bởi cần nhìn nhận việc EPS cao như vậy có nguyên nhân đến từ đâu. Có thể điều đó không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp mà chỉ đến từ những khoản đột biến, không có tính bền vững và lâu dài.

Trong trường hợp doanh nghiệp đang trong giai đoạn triển khai dự án, chuỗi cung ứng, sản phẩm mới, kết quả kinh doanh đang lỗ, EPS đang âm thì giá trị P/E không nên được sử dụng để đinh giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó, ở trường hợp này chúng ta có thể  thay thế bằng phương pháp P/B.

Phương pháp P/E sẽ hiệu quả khi doanh nghiệp đang ở chu kì kinh doanh tăng trưởng, mức EPS đang được duy trì tốt, vì một lý do nào đó từ biến động thị trường, giá thực tế bị định giá thấp, kéo theo P/E thấp hơn so với mức hợp lý, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư.

Chính vì thế,

Thật khó đế nói P/E bao nhiêu là tốt. Nhà đầu tư không thể nhìn vào một cổ phiếu với mức P/E có sẵn để đánh giá đây là con số tốt hay xấu, công ty tiềm năng hay không. Trong sách “Làm giàu từ chứng khoán” của William J.O'Neil, ông ấy có đề cập đến phương pháp CANSLIM, các cách để lọc cổ phiếu xuất sắc, phương pháp P/E không được yêu thích bởi tác giả.

Tại sao...?

Bởi việc tin cậy vào tỷ số P/E thường khiến bạn bỏ qua nhiều nhân tố cơ bản khác.

Chẳng hạn thị trường chung đang trên đà suy thoái, khi đó mọi cổ phiếu đều rớt giá. Nên có thể, sẽ là sai lầm nếu bạn tin rằng bạn đang mua một cổ phiếu với mức “giá hời” vì nó từng đạt chỉ số gấp 30 lần lợi nhuận mà nay có thể mua ở mức giá gấp 10 lần. Mọi thứ đều được bán với mức giá gần với giá trị thật của nó vào thời điểm đó. Nếu giá cổ phiếu và tỉ lệ P/E của một công ty thay đổi trong tương lai gần, đó là do hoàn cảnh, sự kiện, tâm lý, do lợi tức của nó tiếp tục tăng trưởng hay bất ngờ bắt đầu giảm sút sau nhiều tuần và nhiều tháng.

Chỉ số P/E của một cổ phiếu sẽ đạt tới ngưỡng cao nhất, nhưng thông thường điều này chỉ xảy ra khi thị trường chung đã đi hết giai đoạn tăng trưởng và bắt đầu suy thoái nghiêm trọng. Đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy cổ phiếu sắp mất đà tăng trưởng lợi tức hay còn gọi là tạo đỉnh.

Các cổ phiếu có tỉ số P/E quá cao có khả năng bất ổn hơn, đặc biệt là nếu chúng thuộc khu vực công nghệ cao vốn bất ổn. Giá của một cổ phiếu có tỉ số P/E quá cao cũng có thể tạm thời dẫn trước giá trị thật của nó, nhưng điều tương tự cũng có thể xảy ra với các cổ phiếu có tỉ số P/E quá thấp. Dù vậy, đôi khi có những cổ phiếu có chỉ số P/E cao những vẫn có thể tiếp tục cao hơn nữa bởi triển vọng của doanh nghiệp là cực kỳ tốt và sự kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu đó hoàn toàn hợp lý. Do vậy, thông thường nhà đầu tư nên tránh những thành kiến xấu về tỉ số P/E trong những giai đoạn thị trường tăng trưởng.

Một trong những cách O’Neil hay sử dụng là lấy chỉ số P/E để dự đoán mức giá mục tiêu triển vọng của một cổ phiếu tăng tiến trong vòng từ 6 đến 18 tháng dựa trên dự kiến lợi tức trong tương lai của nó. Cách này khá phổ biến và giúp nhà đầu tư tránh được phần nào những rủi ro hay định kiến mà P/E mang lại.

Ngoài ra, ngày nay xuất hiện phương pháp định giá liên quan đến P/E nhưng tiên tiến, đơn giản và hiệu quả cao hơn, như:

  • Absolute P/E
  • Giá trên giá trị sổ sách (P/B).
  • Giá trên dòng tiền (P/Cash Flow).
  • Giá trên doanh thu bán hàng (P/Sales)

Để so sánh các doanh nghiệp khác ngành với nhau.

Ưu điểm của phương pháp P/E?

Định giá theo phương pháp P/E có ưu điểm là có thể dùng để định giá cổ phiếu trong nhiều trường hợp như sáp nhập, mua lại, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, hoặc thậm chí định giá các cổ phiếu chưa được giao dịch.

Tuy nhiên, P/E cấu thành từ thu nhập (Earnings) là những số liệu kế toán cơ bản, tùy doanh nghiệp mà nguyên tắc kế toán có thể khác nhau. Hơn nữa, EPS cũng có thể âm, và trong trường hợp đó hệ số P/E không còn ý nghĩa kinh tế nào nữa. Ngoài ra, thu nhập cũng có thể rất biến động đối với từng ngành, do đó khiến cho việc so sánh P/E trở nên khó khăn hơn.

5. Kết luận

Đối với những nhà đầu tư nghiệp dư mới tham gia thị trường chứng khoán, P/E có thể là một cách định giá đơn giản, dễ hiểu. Nhưng để chuyên sâu và tránh rủi ro, các nhà đầu tư cần nâng cao phương thức định giá P/E này bằng cách tìm hiểu nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp, so sánh P/E ngành và trailing P/E để nắm được giá trị thực của cổ phiếu hiện tại, tham khảo thêm nhiều phương pháp uy tín khác để bổ sung kiến thức phân tích cho mình. Không nên coi P/E là nhân tố chính để đưa ra quyêt định mua hay bán cổ phiếu.