TRA – Duy trì mức tăng trưởng tích cực trong quý 3 bất chấp các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt

21/09/2021 - 19:57 | Diễn đàn | 0 Bình luận | 0 Thích | Tags:


Gautruc_11

Ngày tham gia: 11/11/2020

(6)


Tình hình kinh doanh 9T2021 khả quan.

Trong 9T2021, kết quả kinh doanh của TRA tăng trưởng tích cực trong bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt do dịch bệnh COVID-19. Doanh thu và LNST 9T2021 lần lượt ước tính đạt lần lượt 1.585 tỷ đồng (+21% YoY) và 195 tỷ đồng (+38% YoY), hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch LNST năm 2021. TRA dự kiến doanh thu và LNST 2021 có thể vượt kế hoạch năm, lần lượt đạt 2.200 tỷ đồng (+15% YoY) và 270 tỷ đồng (+25% YoY).

Trong Q3 2021, doanh thu ước tính của TRA đạt 560 tỷ đồng (+22% YoY) và LNST ước tính đạt 70 tỷ đồng (+37% YoY). TRA cho biết công ty đã không tăng giá bán sản phẩm trong 9T2021, như vậy, sản lượng bán hàng của công ty đã tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực trên là nhờ TRA đã cải tiến quy trình hoạt động cũng như chuẩn bị kế hoạch đối phó kịp thời từ khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát vào tháng 5. Cùng với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, công ty đã tăng cường sản xuất và sớm vận chuyển sản phẩm đến các tỉnh, nhờ đó mà TRA không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tỷ trọng doanh thu ở 2 kênh OTC và ETC trong 9T lần lượt là 86% và 6%.

Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 15%/năm trong giai đoạn 2020-2025.

Trong chiến lược tăng trưởng, Traphaco sẽ phát triển đồng thời cả mảng thuốc đông dược và thuốc tân dược. Với thế mạnh về chất lượng và thương hiệu sản phẩm, cũng như, việc triển khai các sản phẩm mới, mảng thuốc đông dược vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính. Bên cạnh đó, mảng tân dược có thể đạt mức tăng trưởng khả quan nhờ gia tăng công suất tại nhà máy tân dược mới và sản xuất các sản phẩm được chuyển giao từ Deawoong. Cuối cùng, công ty đang dần hoạt động hiệu quả hơn nhờ việc cải tiến các quy trình, điều này cho phép các bộ phận phối hợp tốt hơn. Bộ phận R&D và các đơn vị kinh doanh dần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, giúp các sản phẩm mới đáp ứng đúng nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu.

Trong chiến lược kinh doanh, Traphaco đang đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động truyền thông và marketing từ năm 2020. Trước đây, công ty cắt giảm chi phí quảng cáo nhằm bù đắp mức chi phí khấu hao, vận hành tương đối lớn của nhà máy mới, khoảng 140 tỷ đồng mỗi năm. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tăng kinh phí đầu tư vào các hoạt động quảng cáo trong năm nay nhằm đẩy mạnh doanh thu. Chi phí quảng cáo ước tính sẽ chiếm 10% doanh thu năm 2022.

Mảng đông dược tiếp tục tăng trưởng tích cực trong 9T2021.

Thuốc đông dược là nhóm sản phẩm truyền thống của TRA, đóng góp 64% tổng doanh thu 9T2021. TRA duy trì vị trí số 1 trong mảng đông dược với doanh thu tăng 20% YoY. Các sản phẩm đông dược chủ lực và là động lực tăng trưởng chính của TRA bao gồm Boganic, Tottri và Ampelop. TRA sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm này đồng thời phát triển thêm các sản phẩm mới trong thời gian tới. Công ty đã hoàn thành quá trình nghiên cứu và đưa ra thị trường thêm 3 sản phẩm mới trong năm nay.

TRA hưởng lợi từ chính sách thắt chặt của Bộ Y tế đối với quy định đầu thầu mảng đông dược (Thông tư 15/2019/TT-BYT) nhờ các vùng dược liệu và các nhà máy WHO đạt tiêu chuẩn cao. Vì vậy, các sản phẩm của TRA thường có chất lượng cao hơn so với các đối thủ khác trên thị trường. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và bệnh viện hạn chế bệnh nhân, nên số lượng bệnh nhân chỉ còn khoảng 20% so với bình thường. Tuy nhiên, TRA kỳ vọng tổng doanh thu kênh ETC trong năm 2021 là 150 tỷ đồng, tăng 25% YoY. Công ty ước tính giá trị đấu thầu nhóm 1 trong năm 2022 là 60 tỷ đồng, bao gồm các sản phẩm như Boganic, Hoạt huyết dưỡng não, Ampelop.

Các nhà máy sản xuất thuốc đông dược hiện đang được vận hành hơn 90% công suất. TRA có kế hoạch sẽ nâng cấp các nhà máy này, từ đó tăng gấp đôi công suất. Việc nâng cấp dây chuyền sản xuất chỉ mất thời gian một vài tháng, do đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của TRA.

Mảng tân dược sẽ dần đóng vai trò quan trọng hơn trong dài hạn.

Mảng tân dược đóng góp gần 30% trong cơ cấu doanh thu và 24% trong cơ cấu LNST của TRA trong 9T2021. Các sản phẩm chính bao gồm thuốc mỡ-cream và thuốc nhỏ mắt-mũi. Công ty kỳ vọng đóng góp tỷ trọng mảng tân dược dự kiến đạt 40% vào năm 2025. Nhà máy tân dược hiện đang được vận hành trên 50% công suất và dự kiến sẽ đạt mức sản lượng tương đương 70-75% công suất thiết kế vào năm 2025.

Trong năm 2021, TRA đẩy mạnh thực hiện chuyển giao công nghệ với Daewoong. TRA đã có số đăng ký của 7 sản phẩm chuyển giao công nghệ. Các sản phẩm này được bắt đầu sản xuất vào Q4 và sẽ đóng góp doanh thu từ năm 2022. Các sản phẩm được chuyển giao chủ yếu là thuốc điều trị tim mạch, huyết áp và tiểu đường. Chuyển giao công nghệ giai đoạn 2 cũng đã được triển khai vào ngày 19/8 với 12 sản phẩm.

TRA sở hữu nhiều thế mạnh trong kênh Nhà thuốc với hệ thống phân phối rộng khắp.

TRA có ưu thế phân phối trên kênh OTC với 28 chi nhánh và hơn 27.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Ngoài ra, Nghị định 54/2017/NĐ-CP không cho phép các công ty dược nước ngoài hoặc công ty dược có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% được phân phối thuốc trực tiếp tại Việt Nam, từ đó tạo thuận lợi cho TRA.

Về nhóm sản phẩm phân phối độc quyền, TRA hợp tác với đối tác lớn như JW Pharma, Natural Factors và Pure Nutrition, mang lại doanh thu 2021 ước tính 135 tỷ đồng (+108% YoY) trong năm 2021 và có thể tăng hơn 20% vào năm 2022. Biên lợi nhuận ròng của nhóm sản phẩm này là 5%.

Với tệp khách hàng lớn và hệ thống giao thông phức tạp ở nhiều tỉnh thành, TRA thực hiện chính sách giao hàng 1 lần/tuần nhằm tiết kiệm chi phí giao hàng.

Kết luận, chúng tôi đánh giá TRA là một trong những doanh nghiệp dược phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong mảng thuốc đông dược và phân phối thuốc. Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng của Traphaco vẫn khả quan nhờ tốc độ tăng trưởng cao của mảng thuốc đông dược, các nhà máy còn dư địa để gia tăng công suất, và việc tiếp nhận chuyển giao sản phẩm từ Deawoong.

Trong bối cảnh dịch bệnh, TRA vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Về nguyên nhân, chúng tôi cho rằng có sự dịch chuyển đáng kể từ kênh Bệnh viện sang kênh Nhà thuốc. Bên cạnh đó, với hệ thống phân phối rộng khắp, TRA có thể chủ động trong việc tích trữ hàng hóa và phân phối đến tay người dùng. Đây là lợi thế mà rất nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm khác không có được. Trong quý 3, dù nhiều tỉnh thành thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, mức LNST của TRA vẫn tăng trưởng 37% YoY.

Với mức lợi nhuận 2021 ước đạt 270 tỷ đồng, mức P/E forward của TRA ở mức 16,6 lần, tương đương mặt bằng ngành dược. Chúng tôi sẽ đánh giá chi tiết và đưa ra định giá phù hợp trong thời gian tới.




CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN