Khoản phải thu là gì và mối liên hệ với Doanh thu?

19-08-2020 - 09:02 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

1. Khoản phải thu là gì?

Phải thu khách hàng (Accounts receivable from customers) là gì?

Khoản phải thu là một loại tài sản tính dựa trên tất cả các khoản nợ mà khách hàng mua hàng hóa (sản phẩm hoặc dịch vụ) nhưng chưa thanh toán. Tức doanh nghiệp bán hàng nhưng chưa thu được tiền.

Các khoản phải thu được ghi nhận như là tài sản vì chúng phản ánh các khoản tiền sẽ được thanh toán trong tương lai. Tuy nhiên chất lượng của loại tài sản luôn là một dấu hỏi lớn đối với các nhà đầu tư.

Các khoản phải thu được phản ánh trên bảng cân đối kế toán bao gồm tất cả các khoản nợ chưa đòi được, tính cả các khoản nợ chưa đến hạn thanh toán.

Nếu các khoản nợ này được trả trong thời hạn dưới 1 năm (hoặc trong một chu kỳ hoạt động kinh doanh) thì được phân loại là tài sản ngắn hạn. Nếu hơn 1 năm hoặc hơn 1 chu kỳ kinh doanh thì được phân loại là tài sản dài hạn. Tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng các khoản phải thu là khả năng thu hồi và giá trị thu hồi của các khoản phải thu này, và qua đó trích lập dự phòng nợ khó đòi phục vụ mục đích kế toán

2. Câu chuyện bán hàng hiệu quả từ mối liên hệ Khoản phải thu và Doanh thu?

Việc tăng cao khoản phải thu theo doanh thu có thể là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang gặp vấn đề thu tiền từ khách hàng.

Thâm chí công ty không bán được hàng nhưng để thệ hiện được một bản báo cáo không quá tệ trong mắt nhà đầu tư, ban lãnh đạo công ty đã book doanh thu thông qua khoản phải thu. Bản chất doanh thu đó là ảo, doanh nghiệp không có dòng tiền về. Việc đó được thực hiện qua các “công ty có mục đích đặc biệt” (SPE - Special Purpose Entity) thường là do ban lãnh đạo lập ra hoặc có liên quan đến ban lãnh đạo.

Ví dụ:

Công ty A bán hàng cho công ty B (B là SPE). Thực tế, B không có tiền để thanh toán cho công ty A, vì vậy B sẽ ghi nhận một khoản phải trả cho công ty A. Trong khi đó công ty A sẽ ghi nhận doanh thu như là Khoản phải thu (chưa có dòng tiền về).

Sau đó những khoản này sẽ được “phù phép” bằng cách công ty B ra quyết đinh tăng vốn và công ty A sẽ là đơn vị góp vốn, giá trị góp vốn chính bằng khoản mà công ty B phải trả cho A, tức là khoản phải thu như đã như đã nói ở trên. Và như vậy bằng một số thủ thuật nhỏ, Ban lãnh đạo công ty A đã hô biến khoản phải thu thành khoản đầu tư mà doanh thu vẫn được ghi nhận mặc dù thực tế chẳng bán được hàng và tất nhiên là không có dòng tiền về nào ở đây cả.

Không khó để phát hiện điều này. Chúng ta có thể phát hiện những gian lận báo cáo tài chính này bằng việc đọc kĩ thuyết minh báo cáo tài chính để biết được khoản phải thu đó chiếm tỷ trọng như thế nào so với doanh thu và phải thu ở công ty nào, từ đó tìm hiểu thêm về các công ty SPE mà ban lãnh đạo đã lập ra. Thường những công ty này sẽ có tên, địa chỉ mơ hồ hoặc địa chỉ có liên quan đến ban lãnh đạo, và ngành hàng kinh doanh không liên quan cũng như thời gian thành lập khá gần với thời điểm của kỳ báo cáo tài chính. 

3. Tổng kết lại

Chỉ số khoản phải thu phản ánh mối quan hệ của doanh nghiệp đối với khách hàng. Ngoài ra, việc đánh giá chất lượng tài sản cũng quan trọng vì cho phép nhà đầu tư đánh giá chính xác giá trị nội tại của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư tối ưu.

Kiểm soát tốt khoản phải thu là mục tiêu của doanh nghiệp thông qua sô vòng quay khoản phải thu. Chỉ số vòng quay các khoản phải thu (được tính bằng: doanh thu thuần hàng năm/ các khoản phải thu trung bình trong đó các khoản phải thu trung bình = các khoản phải thu còn lại của năm trước và các khoản phải thu năm nay/ 2) đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp trong việc thu hồi các khoản phải thu từ khách hàng.

Vòng quay cao cho thấy năng lực thu hồi khoản phải thu hiệu quả và công ty có chất lượng khách hàng trả nợ nhanh và đúng hạn. Vòng quay thấp cho thấy công ty có quy trình thu hồi khoản phải thu yếu, các chính sách tín dụng chưa tốt và cho thấy lượng khách hàng không đáng tin cậy. Vì vậy việc kiểm soát và theo dõi các khoản phải thu là cần thiết và quan trọng đối với các doanh nghiệp.