Chiến dịch vắc xin mang lại hy vọng cho sự phục hồi trên toàn cầu

26/02/2021 - 20:02 | Diễn đàn | 0 Bình luận | 0 Thích | Tags:


dongdq

Ngày tham gia: 13/10/2020

(19)


  • Chiến dịch tiêm chủng mang lại hy vọng phục hồi trên toàn cầu.
  • Việt Nam tham gia tiêm chủng vaccine Covid-19 với mục tiêu tham vọng.
  • Sẽ mất nhiều thời gian để trở lại cuộc sống trước đại dịch.

Diễn biến tiêm chủng vắc xin toàn cầu

Theo dữ liệu được tổng hợp từ nghiên cứu Our World in Data tại Đại học Oxford, hơn 216 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được sử dụng trên 99 quốc gia tính đến ngày 24 tháng 2 năm 2021. Israel là trường hợp ngoại lệ trong nỗ lực đẩy nhanh việc tiêm chủng toàn dân và tái khởi động nền kinh tế. Quốc gia này dẫn đầu thế giới về tiêm chủng với 88,8 liều trên 100 người dân và hơn 36,4% dân số đã tiêm chủng đầy đủ hai liều vắc xin Covid-19.

Việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở các nước phương Tây đa phần vượt xa các nước châu Á. Vương quốc Anh đang tiến hành tiêm chủng cho dân số với tốc độ nhanh hơn các nước phát triển khác với 27,3 liều trên 100 người trong khi ở Mỹ, trung bình 19,7 liều đã được tiêm trên 100 người. Trong khi đó, các quốc gia tại châu Á tương đối thận trọng với vắc xin. Hàn Quốc và Nhật Bản vừa cấp phép cho vắc xin Covid-19 đầu tiên của họ vào giữa tháng 2. Trong khi đó, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc triển khai vắc xin Covid-19 tự sản xuất. Ngoài ra, tỷ lệ được chủng ngừa của các nước đang phát triển đang ở mức rất thấp so với các nước phát triển.

Những nước giàu đặt vắc xin nhiều hơn số lượng họ cần trong khi nhiều nước nghèo hơn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng. Tám nhà sản xuất vắc xin đã ký hợp đồng cung cấp 7,9 tỷ liều vào năm 2021, tuy nhiên, vắc xin sẽ được phân phối không đồng đều (Hình 1). EU đã ký hợp đồng với số lượng gấp đôi loại vắc xin mà họ cần sử dụng, trong khi Canada đã đặt hàng 11 liều cho mỗi người lớn. Mỹ đã tích trữ 2,6 tỷ liều, hơn 1/4 nguồn cung của thế giới cho đến nay để đáp ứng cho 396% dân số. Nga và Trung Quốc có thể sử dụng vắc xin của họ trong khi nhiều quốc gia khác phụ thuộc vào COVAX, sáng kiến toàn cầu nhằm mục đích phân phối vắc xin Covid-19 cho các nước đang phát triển.

Việt Nam sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 vào tháng 3 năm 2021

Ngày 24/02/2021, Việt Nam đã nhận được lô vắc xin Covid-19 đầu tiên gồm 117.000 liều từ AstraZeneca. Theo đó, Chính phủ hiện đang ưu tiên cho các nhân viên y tế tuyến đầu trong đợt tiêm chủng đầu tiên. Việt Nam đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số để đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Năm 2021, dự kiến sẽ có bốn đợt tiêm chủng dựa trên lịch trình nhận vắc xin từ các nhà sản xuất. Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu nhận được 90 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay, bao gồm 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca (trong đó, 30 triệu liều được viện trợ từ chương trình COVAX) và 30 triệu liều đang thương lượng với Pfizer. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang đàm phán để mua 60 triệu liều Sputnik V từ Nga.

Vào tháng 2 năm 2021, Chính phủ cũng đã đồng ý sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn khác để mua vắc xin Covid-19. Theo Bộ Y tế, ngân sách cần thiết để tiêm chủng cho 20% dân số ước tính khoảng 6.739 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, hơn 90% chi phí này sẽ được COVAX tài trợ. Ngoài ra, CTCP Vắc xin Việt Nam (VNVC) đã sử dụng nguồn vốn của họ để mua 30 triệu liều AstraZeneca. Do đó, chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 sẽ không phải là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong năm 2021.

Bên cạnh đó, như các nước khác, tiến độ tiêm chủng của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc vận chuyển và bảo quản vắc xin. Theo Bộ Y tế, hệ thống kho lạnh hiện tại có thể lưu trữ 3 triệu liều ở điều kiện cực lạnh (-70 độ C), 1,8 triệu liều ở -25 độ C và 10 triệu liều ở 2-8 độ C. Cùng với sự thiếu hụt tiềm tàng đến từ nguồn cung vắc xin, đây sẽ là thách thức đối với Chính phủ trong việc hoàn thành kế hoạch tiêm chủng đặt ra cho năm 2021. (Hình 2)

Con đường trở lại cuộc sống trước đại dịch có lẽ còn khá xa

Rõ ràng rằng, chiến dịch tiêm chủng hiện tại mang lại hy vọng cho thế giới vì đây là động lực quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, trường hợp của Israel đang cho thấy rằng mặc dù hoàn tất chiến dịch tiêm chủng thì quốc gia này vẫn còn một chặng đường dài phía trước để trở lại cuộc sống trước đại dịch. Sau hai tháng phong tỏa, Israel bắt đầu tái khởi động nền kinh tế vào ngày 21 tháng 2 năm 2021. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn khi giãn cách xã hội vẫn duy trì, người tiêu dùng thận trọng và du lịch vẫn đang trong trạng thái tạm dừng. Đáng lưu ý là là rủi ro vẫn còn khi các chủng mới đang xuất hiện và biến thể kháng vắc xin có thể tiếp tục lây lan.

Trên quy mô toàn cầu, theo Bloomberg, tỷ lệ tiêm chủng đang là khoảng 6,1 triệu liều mỗi ngày, với tốc độ như hiện nay, ước tính sẽ mất 5 năm để 75% dân số được tiêm đủ hai liều vắc xin. Ngoài ra, trong kịch bản nguồn cung cấp vắc xin đủ, việc phân phối vắc xin cho tất cả mọi người trên thế giới sẽ là một nhiệm vụ khó khăn do nhiều thách thức về vận chuyển và lưu trữ.

------------------------------------------

-- Price is what you pay, value is what you get -- 

Zalo/ M: 0913242569




CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN