7 bước đơn giản để đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu

16-08-2020 - 12:52 | ĐÀO TẠO


Nội dung chính

Có thể nói thị trường chứng khoán những năm gần đây đang trở thành một trong những kênh đầu tư hấp dẫn và sôi nổi nhất. Cách nhìn nhận của đại đa số người dân với thị trường cũng chứng khoán cũng đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn dịch Covid-19 khi cả nền kinh tế gặp khó khăn và chỉ số Vnindex giảm mạnh thì số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trên thị trường tăng một cách đột biến, theo số lượng thống kê của Trung tâm lưu ký là hơn 200.000 tài khoản trong vòng 4 tháng ( từ tháng 3/2020-7/2020) và lượng tiền đổ vào thị trường từ những nhà đầu tư F0 này là hàng ngàn tỷ đồng. Rõ ràng là phải nhìn nhận có cơ hội hấp dẫn như thế nào thì lượng tiền khổng lồ đó mới đổ vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ như vậy.

Tuy nhiên việc nắm bắt được cơ hội vào tạo ra lợi nhuận trên thị trường chứng khoán đối với những người mới bắt đầu tập đầu tư chưa bao giờ là dễ dàng. Những thứ mới mẻ luôn khó hình dung, đòi hỏi những nhà đầu tư mới phải bỏ thời gian để tìm hiểu.

Bài viết đầu tiên trong seri bài viết hướng dẫn cho những nhà đầu tư mới bắt đầu, người viết sẽ chỉ ra 7 bước đơn giản để tiếp cận kênh đầu tư trên thị trường chứng khoán một cách nhanh chóng và hiệu quả.

7 bước đó bao gồm:

  • Bước 1: Tìm hiểu các kiến thức cơ bản của Thị trường chứng khoán
  • Bước 2: Mở tài khoản chứng khoán
  • Bước 3: Nộp tiền vào tài khoản chứng khoán để giao dịch
  • Bước 4: Chọn cổ phiếu để mua bán
  • Bước 5: Đặt lệnh mua bán
  • Bước 6: Rút tiền ra từ tài khoản chứng khoán
  • Bước 7: Kiểm soát tâm lý khi giao dịch chứng khoán

Để phân tích chi tiết từng bước thì sẽ rất dài dòng và đôi khi là hơi khó để những nhà đầu mới bắt đầu có thể nắm bắt được ngay, mặc dù vậy chúng ta cũng nên đi qua một chút từng bước để có cái nhìn cụ thể hơn.

Bước 1: Tìm hiểu các kiến thức cơ bản của Thị trường chứng khoán

 

Khi bắt đầu tham gia vào một lĩnh vực hay một môi trường nào đó tốt nhất là tìm hiểu về nó một cách nghiêm túc.

Giống như bất kì thị trường hàng hóa khác, thị trường chứng khoán có thể hiểu đơn giản như là một cái chợ để mọi người mua bán trên đó, hàng hóa trên đó là chứng khoán ( tức các giấy tờ có giá) như: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ,…

Đa số các giao dịch trên thị trường chứng khoán liên quan đến cổ phiếu. Nhà đầu tư mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có 2 kỳ vọng: 1 là để kiếm lợi nhuận thông qua  chênh lệch giá, tức bạn mua một cổ phiếu với một mức giá và kỳ vọng bán nó với giá cao hơn trong tương lai. Hoặc cũng có thể là mua cổ phiếu để hưởng cổ tức từ doanh nghiệp phát hành cổ phiếu đó.

Như vậy, thị trường chứng khoán là một cái chợ, mà đã là chợ thì phải có ban quản lý chợ. Ủy ban chứng khoán nhà nước(UBCK) chính là Ban quản lý.

Dưới UBCK chính là các Sở Giao Dịch. Các Sở Giao Dịch chứng khoán sẽ thành lập nên các sàn niêm yết. Đây chính là nơi mà các công ty niêm yết của cổ phiếu của họ. Hiện tại có 2 Sở Giao Dịch, đó là:

  •  Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HSX) với sàn HOSE.
  •  Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với sàn HNX và UPCOM.

Hay nói các khác các Sở Giao Dịch sẽ thành lập ra các gian hàng ( các sàn giao dịch)- nơi các doanh nghiệp đem cổ phiếu của họ tới niêm yết lên các gian hàng đó để nhà đầu tư mua đi bán lại. Sở Giao Dịch sẽ thu phí trên mỗi lần mua bán đó.

Như vậy, chúng ta sẽ có 3 gian hàng là HOSE ( thuộc HSX), HNX và UPCOM ( thuộc HNX). Điều kiện niêm yết lên các sàn này là khác nhau với các tiêu chuẩn khác nhau về quy mô vốn điều lệ, kết quả kinh doanh những năm gần nhất, ….

Điều kiện và tiêu chuẩn niêm yết lên sàn HOSE là cao nhất, sau đó đến HNX và cuối cùng là UPCOM.

Bước 2: Mở tài khoản chứng khoán

Để có thể mua được cổ phiếu trên các sàn giao dịch như đã giới thiệu ở trên thì bạn cần mở một tài khoản chứng khoán ở một công ty chứng khoán

Tại sao phải làm như vậy?

Công ty chứng khoán(CTCK) chính là các đơn vị thành viên, có nhiêm vụ tiếp nhận các lệnh mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư, sau đó chuyển những lệnh đó lên các Sở giao dịch để tiến hành khớp lệnh.

Nghe thì có vẻ là dài dòng nhưng thực chất hiện nay quá trình đó chỉ mất chưa đến…. 1 giây (thông qua mạng lưới kết nối giữa các Sở và Công ty chứng khoán).

Vì vậy, việc mở 1 tài khoản ở một công ty chứng khoán nào đó là bắt buộc để bạn có thể đầu tư được.

Việc mở tài khoản chứng khoán hiện này cũng rất đơn giản. Bạn có thể mở tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau nhưng mỗi công ty chỉ được mở 1 tài khoản.

Bạn có thể đem chứng minh nhân dân chưa quá hạn ( 15 năm) lên bất kỳ chi nhánh của công ty chứng khoán (CTCK) nào đó để được hỗ trợ mở các bước tài khoản cụ thể hoặc cũng có thể mở tài khoản online trên website của các  CTCK theo hướng dẫn.

Việc mở tài khoản chứng khoán là hoàn toàn MIỄN PHÍ. Chỉ khi nào bạn phát sinh giao dịch mua bán thì lúc đó CTCK mới thu phí giao dịch của bạn.

Thông thường hiện này mức phí giao dịch mà các CTCK thu của khách hàng là từ 0.15% đến  0.35% giá trị giao dịch.

Ví dụ: CTCK Rồng Việt áp dụng mức phí 0.15%, tức là nếu bạn đặt lệnh một lệnh mua/bán cổ phiếu có giá trị 100 triệu đồng thì bạn sẽ chịu 150.000 đồng tiền phí giao dịch. 

Bước kế tiếp sau khi mở tài khoản chính là nộp tiền vào tài khoản chứng khoán đó để tiến hành giao dịch.

Bước 3: Nộp tiền vào tài khoản chứng khoán

Cần bao nhiêu tiền thì mới có thể đầu tư được?

Thực tế là bạn chỉ cần một số tiền nhỏ khoảng vài trăm ngàn đồng là có thể đầu tư được rồi, miễn sao đảm bảo điều kiện khớp lệnh trên mỗi sàn.

Cụ thể:

  • Sàn HOSE: Bạn có thể mua tối thiểu là 10 cổ phiếu và bội số của 10
  • Sàn HNX và UPCOM: Bạn có thể mua tối thiệu la 100 cổ phiếu và bội số của 100.

Hiện nay, tất cả các CTCK đều đã liên kết với ngân hàng, vì vậy bạn có thể nộp tiền vào tài khoản chứng khoán thông qua việc chuyển khoản trực tuyến.

Bạn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của CTCK ở một ngân hàng nào đó và CTCK sẽ hạch toán số tiền đó vào tài khoản chứng khoán của bạn căn cứ nội dung chuyển tiền mà bạn đã ghi ( gồm số tài khoản chứng khoán và họ tên của bạn)

Một số CTCK cũng liên kết trực tiếp với ngân hàng, khi đó sau bạn đặt lệnh mua bán trên tài khoản chứng khoán thì tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ được trừ tương ứng. 

Bước 4: Lựa chọn cổ phiếu để mua bán

Đây có lẽ là bước quan trọng nhất trong tất cả các bước. Để làm rõ về bước này chúng ta có thể viết cả cuốn sách về vấn đề này. Và thực tế là có rất nhiều cuốn sách về việc lựa chọn cổ phiếu khi đầu tư đã được chắp bút và xuất bản bởi những nhà đầu tư huyền thoại.

Không dễ trong vài dòng là có thể làm rõ vấn đề quan trọng này. Mấu chốt của bước này là tìm ra những cổ phiếu thực sự tốt, tiềm năng và mức giá hợp lý để có thể mua vào, hoặc thời điểm nào nên bán ra những cổ phiếu đang nắm giữ.

Bạn có thể nhận được rất nhiều lời tư vấn phím hàng từ các diễn đàn, các môi giới chứng khoán (broker) nhưng bạn phải là người quyết định mua hay bán.

Hãy nghiêm túc với khoản tiền đầu tư của mình! 

Hãy đánh giá, cân nhắc những lời tư vấn đó để đưa ra những quyết định sáng suốt cho bản thân mình. Để làm được điều đó bạn nên nghiêm túc trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.

Hiện nay, có hai trường phái đầu tư là trường phái đầu tư cơ bản và trường phái đầu tư theo kĩ thuật.

Đầu tư theo phân tích cơ bản chính là phân tích tài chính doanh nghiệp, phân tích những yếu tố nội tại cũng như đánh giá triển vọng trong tương lại để từ đó định giá mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp đó có giá trị hợp lý là bao nhiêu để xem xét việc mua vào và bán ra.

Đầu tư theo trường phái phân tích kĩ thuật là bỏ qua những phân tích cơ bản mà chỉ tập trung vào sự biến động giá cổ phiếu. Sự dụng những dữ liệu diễn biến giá của cổ phiếu trong quá khứ để đưa ra những chiến lược và kịch bản của giá cổ phiếu trong tương lai với niềm tin rằng quá khứ sẽ lặp lại.

Câu hỏi đặt ra ở đây là phương pháp nào ưu việt hơn?

Thực tế cho thấy rằng tùy vào quan điểm đầu tư, khung thời gian đầu tư và sự phù hợp đối với từng nhà đầu tư mà cả 2 phương pháp trên đều cho thấy những ưu điểm và hạn chế riêng.

Bạn hoàn toàn có thể áp dụng cả 2 phương pháp. Dùng phân tích cơ bản để chọn ra những doanh nghiệp làm ăn tốt, có triển vọng khả quan, sau đó dùng phân tích kĩ thuật để chọn điểm mua, bán phù hợp với khung thời gian đầu tư của mình.

Học các kiến thức đó có khó không và học ở đâu?

KHÔNG KHÓ. Tôi có thể khặng đinh với bạn như vậy. Với một người chưa có nền tảng kiến thức về tài chính bạn hoàn toàn có đăng ký tham gia các khóa học để nâng cao kiến thức của mình.

Một khóa học có giá vài triệu cho vài buổi đối với nhiều người cho rằng là đắt đỏ, nhưng tin tôi đi, sự thiếu hiểu biết có thể khiến bạn thua lỗ nhiều hơn rất nhiều so với con số vài triệu đó.

Chẳng có sự may mắn nào đồng hành với bạn mãi mãi khi bạn không chịu học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cũng như kiến thức qua từng ngày.

Bước 5: Tìm ra được cổ phiếu rồi thì mua bán như thế nào?

Hiện nay, việc đặt lệnh mua bán cổ phiếu không còn phức tạp và nhiều thủ tục những năm 2006, 2007 nữa. Tất cả đơn giản chỉ là một cú click chuột.

Nền tảng giao dịch online qua web và qua các app (ứng dụng) trên điện thoại ngày càng phát triển khiến việc đặt lệnh mua bán trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Không cần phải lên công ty chứng khoán để viết những phiếu lệnh mua bán rồi đưa cho nhân viên nhập lệnh như cách đây 15 năm về trước, hiện nay chi cẩn bạn có 1 chiếc smart phone và có kết nối internet là có thể thao tác đặt lệnh nhanh chóng. Hoặc bạn cũng có thể nhờ các nhân viên tư vấn đặt lệnh giúp bạn.

Bước 6: Rút tiền ra khỏi tài khoản chứng khoán như thế nào? 

Cũng như việc nộp tiền vào, việc chuyển tiền ra được thực hiện một cách nhanh chóng qua cách thức online.

Hiện nay hầu như công ty chứng khoán nào cũng tích hợp tiện ích rút tiền nhanh chóng ở trên trang web đặt lệnh hay app đặt lệnh.

Bạn chỉ việc vào chọn tài khoản ngân hàng mà bạn đã đăng ký lúc mở tài khoản, chọn số tiền bạn muốn rút và Enter.

Việc còn lại là của CTCK và ngân hàng. Sẽ chẳng mất quá nhiều thời gian, chỉ tầm 5-10 phút là tiền sẽ vào tài khoản ngân hàng của bạn.

Bước 7: Kiểm soát tâm lý khi giao dịch chứng khoán

“Kiểm soát tốt tâm lý khi đầu tư chứng khoán” hay “hãy kiểm soát tốt lòng tham và nỗi sợ hãi” là những lời bạn sẽ được nghe rất nhiều trên thị trường chứng khoán.

Không phải ngẫu nhiên mà nó quan trọng đến thế. Rất rất nhiều nhà đầu tư có năng lực chuyên môn rất tốt, họ cũng mua được những cổ phiếu tốt và kiếm được lợi nhuận cao nhưng cuối cùng vẫn không bảo toàn được lợi nhuận đó, đánh mất lợi nhuận một cách cay đắng chỉ vì thiếu sự quyết đoán. 

Con người ai cũng có lòng tham, ai cũng có nỗi sợ hãi. Lòng tham là khi  bạn có lãi, tới điểm kì vọng rồi nhưng vẫn muốn có nhiều lợi nhuận hơn nữa nên tiếp tục giữ, hoặc khi thấy giá tăng quá, sợ mất phần nên nhảy vào mua ngay kẻo nhỡ.

Và sau đó giá rớt, bạn từ việc có lãi nhiều bắt đầu giảm lợi nhuận, rồi thậm chí là thua lỗ. Đến lúc này cái tôi xuất hiện, cắt lỗ lúc này đồng nghĩa với việc chấp nhận mình đã sai và thậm chí là chấp nhận mình NGU khi biết SAI mà không sửa. 

Tự ái không? Tự ái quá đi chứ, mà hơn nữa bán lúc này đồng nghĩa với việc là mất tiền thật, còn giữ cổ phiếu thì sẽ vẫn ảo tưởng là chỉ đang lỗ ảo, giá cổ phiếu mà hồi là sẽ bớt lỗ. 

Có lý do nào để biện minh không?

CÓ. Tất nhiên là có. Doanh nghiệp cơ bản, làm ăn tốt, chỉ là do nhà cái (hay còn gọi là Lái – viết tắt của “Thương lái” ) đang gom hàng nên đè giá để bà con nôn hết. Có doanh nghiệp nào tốt mà lái đè giá giảm hơn 50%, thậm chí là 70% trong khi thị trường chung vẫn đang trong xu hướng uptrend?.

Nói vậy để thấy rằng tầm quan trọng của việc tuân thủ kỷ luật trong đầu tư trên thị trường chứng khoán. Vấn đề này không phải muốn là có ngay và còn là việc rèn luyện, trải nghệm và rút ra bài học sau mỗi lần phạm sai lầm. 

 Tham gia Khóa học Nhà đầu tư 3 ngày để có thể đầu tư trên Thị trường chứng khoán Việt Nam ngay hôm nay